Chúa Phục sinh có ý nghĩa gì với tôi? Chúa Phục sinh thật sự đem lại cho tôi những gì? Chúa Phục sinh có tác động gì đến tôi? Chúa Phục sinh có phải là niềm vui của tôi không? Đó chính là những câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta sau khi Đại lễ Phục sinh đã được cử hành rất long trọng, chân thật trong niềm hân hoan khôn tả.
Và nhất là trong hành trình sa mạc đặc biệt này biến cố Chúa Phục sinh có ý nghĩa gì với chúng ta? Để có được câu trả lời, chúng ta cần nhìn lại chúng ta đã mừng, đã hát reo, tung hô Aleluia liên tục, nhưng tại sao chúng ta lại mừng, tại sao chúng ta lại vui, tại sao chúng ta lại có những tâm tình đó sau biến cố chúa Phục Sinh.
Các Tông đồ và các tín hữu tiên khởi họ đã thay đổi như thế nào sau biến cố Chúa Phục sinh?
Trước đây họ tản mác khắp nơi, mỗi người mỗi ý, mỗi người sống theo bản năng tự nhiên của mình, sau khi chúa Phục Sinh quy tụ họ lại thì họ đã trở thành một cộng đoàn lớn nhất thế giới, không ai lấy thứ gì của mình làm của riêng, coi tất cả làm của chung, họ họp nhau lại để ca ngợi Chúa và họ nói về Chúa phục sinh.
Còn chúng ta, Chúa Phục Sinh có thay đổi chúng ta, có biến đổi chúng ta không? Chúa Phục Sinh có ý nghĩa gì với chúng ta không? Đó là điều chúng ta suy nghĩ, nhất là trong hành trình sa mạc này, để rồi lễ Chúa Phục Sinh không trở thành lễ hội theo thời vụ, theo mùa, nhưng Đại lễ Phục Sinh mang lại cho chúng ta nguồn sống, nguồn hy vọng cho tất cả mọi người.
Trong tĩnh lặng chúng ta hỏi thử lòng mình, Chúa phục sinh có mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, hay mang lại những điều thật ý nghĩa trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta lúc này không?
Chúng ta đã trải qua bốn mươi ngày chay thánh để đi vào mầu nhiệm thương khó của Chúa Phục Sinh. Và chúng ta đã trải qua biến cố Phục sinh cũng như tuần Bát Nhật Phục Sinh. Như vậy từ mùa chay đến tuần bát nhật Phục Sinh còn đọng lại trong ta những gì? Quãng thời gian đó đem lại cho chúng ta điều gì mới không? Đó cũng chính là những câu hỏi mà chúng ta tiếp tục tự vấn.
Cùng một biến cố nhưng lại có nhiều cảm nhận khác nhau. Cùng một biến cố Chúa tử nạn và Phục Sinh nhưng mỗi người thu nhận được hoa trái khác nhau không ai giống ai. Cùng một biến cố đó nhưng người thì thu nhận được nhiều hoa trái thiêng liêng, người thì thu nhận được ít hoa trái thiêng liêng, người thì không thu nhận được gì.
Tại sao lại như vậy?
Qua tâm tình chia sẻ của một số anh chị em về hoa trái Phục sinh chúng ta có thể tóm gọn câu trả lời trong 4 yếu tố sau đây:
Thứ nhất là yếu tố chủ quan tác động lên ta. Mỗi người có một trải ngiệm, cảm nhận khác nhau về Chúa Phục sinh. Người nhận được nhiều, người nhận được ít là tùy theo lòng mà mỗi người mở ra. Nếu Chúa Phục sinh mà người đó không mở lòng ra thì Chúa cũng chịu, người đó khép cửa lòng lại thì Chúa cũng chịu, bản thân ta cũng vậy, điều gì ngăn cản ta đến với Chúa Phục sinh, tảng băng chìm nào đang ngăn cản ta đến với Chúa?
Thứ hai là yếu tố khách quan tác động lên đời sống đạo đức của ta. Chúa gửi đến những người sống thánh thiện khác để thức tỉnh ta, ta là ai, ta đang đi theo ai; tại sao họ như vậy... còn mình lại như vậy, một bầu khí Phục sinh tưng bừng của Gáo hội làm cho ta phải suy nghĩ.
Thứ ba là sự nhận thức của ta về Chúa Phục sinh. Tại sao Chúa chết mấy chục năm rồi mà Giáo hội vẫn tưởng niệm? Đó chính là điều khác biệt nơi kitô giáo. Những biến cố của Chúa Giê-su được hiện tại hóa qua mọi thời, mọi nơi, mọi lúc. Chúa chết một lần, Chúa chết cách đây hơn 2000 năm, thì làm sao con người ngày nay dự phần vào được? Cho nên điều kỳ lạ nơi Kitô giáo là các biến cố được hiện tại hóa để các biến cố trở thành hiện thực cho mình ngay lúc này, nơi này. Vì thế chúng ta cần hiểu mầu nhiệm Chúa tử nạn Phục sinh năm này khác năm khác, nó được tái hiện khác, để làm cho mình được sống lại.
Thứ tư là ta đã đầu tư đến đâu, chuẩn bị như thế nào để đón mừng Chúa Phục sinh? Điều gì càng đầu tư, càng chăm chút thì hoa trái gặt hái càng được nhiều, còn điều gì mình không đầu tư vì mình thấy điều đó tầm thường thì mình không được kết quả.
Như vậy, chỉ với một biến cố Chúa Phục sinh nhưng mỗi người lại có những cảm nhận và thu được những hoa trái khác nhau trong đời sống thiêng liêng. Điều đó tùy thuộc vào yếu tố chủ quan, khách quan, nhận thức của chúng ta và sự đầu tư của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su xin phá tan tảng băng chìm đang ngăn cản chúng con đến với Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng ra đón nhận Chúa để được Chúa là Đấng Phục sinh chạm đến, biến đổi và như vậy là chúng con được hưởng niềm vui Phục sinh của Chúa, còn gì hạnh phúc bằng! Amen.
Trích bài giảng tĩnh tâm Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR ngày 12.4.2021
Maria Nguyễn Hường
Truyền thông Sinh viên Công giáo