Tính hiệp hành đòi hỏi một tinh thần từ bỏ, một con đường hoán cải và biến đổi thực sự, đòi hỏi chúng ta rất nhiều can đảm để nói, để lắng nghe với sự khiêm tốn. Đòi hỏi chú ý đến sự chuyển động của Thánh Thần chân lý bên trong.
Sơ Nathalie giải thích lòng biết ơn cũng là một thành phần thiết yếu. Bởi vì, nếu chúng ta càng có thể nhận ra món quà của tính hiệp hành mà chúng ta đã nhận được, thì chúng ta càng mở ra cho tương lai, bởi vì hiệp hành là một con đường sáng tạo. Sơ so sánh tiến trình mà Giáo hội đang đi với hành trình của các môn đệ trong Tin Mừng Matthêu chương 14: Theo lệnh truyền của Chúa các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia trong nỗi lo sợ. Chúng ta cũng có thể lo lắng giống các môn đệ. Nhưng băng qua hồ sẽ dẫn chúng ta đến trung tâm của tính hiệp hành, nhằm để phân định về các dấu hiệu của thời đại.
Sơ Nathalie nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn các ưu tiên. Những ưu tiên này sẽ giúp làm sâu sắc thêm “một Giáo hội châu Á chúng ta”, vì tài liệu mà các đại biểu đang chuẩn bị thể hiện sự đóng góp cụ thể của châu Á cho bước tiếp theo của thượng hội đồng, và cho việc soạn thảo tài liệu làm việc cho Đại hội tại Roma. Chính phương pháp trò chuyện thiêng liêng dẫn đến sự hiệp thông, chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”.
Sơ Nathalie kết luận bằng cách nhận ra rằng lo sợ là một phần tự nhiên của tiến trình. Tính hiệp hành biến đổi thiêng liêng là một cuộc phiêu lưu, bởi vì ở mọi nơi chúng ta đều được mời gọi thay đổi một lối sống mới, chúng ta trải nghiệm một số sự kháng cự của nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta tin chắc đó là tiếng gọi thực sự và ý muốn của Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được ân sủng để tiếp tục nhận ra con đường.
Ngọc Yến - Vatican News