Những vị thánh sắp tới của Hungary

021.jpeg
ĐTC hôn tay của Cha Jószef Brenner, em của Chân phước Janos Benner  (Vatican Media)

Trong bài diễn văn đầu tiên trong chuyến viếng thăm, vào sáng thứ Sáu 28/4/2023, ngỏ lời với các cấp chính quyền, các lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha đã mô tả thủ đô Budapest của Hungary là một “thành phố của các vị thánh”. Ngài nhắc lại một số vị thánh Hungary đã tuyên xưng đức tin, bắt đầu với Vua Stêphanô, người đã biến Hungary thành quốc gia Kitô giáo, sau đó đến toàn bộ gia đình của vị vua thánh thiện và đến Đấng Đáng kính Đức Hồng y Jozef Mindzenty. Tên của Đức Hồng y Mindzenty cũng được bà Tổng thống Novak nhắc đến trong bài phát biểu của bà.

Sau đó, vào buổi chiều cùng ngày 28/4/2023, trong cuộc gặp gỡ các Giám mục, linh mục và tu sĩ của Hungary tại nhà thờ chính toà Thánh Stêphanô, Cha Jószef Brenner, một linh mục 88 tuổi và là em của Chân phước Jànos, người đã tử đạo năm 1957 ở tuổi 26, và được phong chân phước vào năm 2018, đã chào Đức Thánh Cha.

Nhưng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chạm đến, cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đời sống của các vị thánh khác của Hungary, với những câu chuyện cần được khám phá.

Đấng Đáng kính Đức Hồng y Jozef Mindzenty

Vào đầu năm 1919, khi đang là linh mục, Đức Hồng y Jozef Mindzenty đã bị những người cộng sản ở Bela Kun bắt. Từ năm 1949 đến 1954, ngài đã bị bắt lại bởi những nhà cầm quyền mới của chế độ Xô Viết và phải ở tù. Sau đó Đức Hồng y Mindzenty bị quản thúc tại gia và được Lực lượng Vệ binh Quốc gia phóng thích trong cuộc Cách mạng năm 1956.

Khi Liên Xô tái lập chế độ cũ, Đức Hồng y lánh nạn tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Budapest, và không thể tham gia các mật nghị Hồng y vào các năm 1958 và 1963. Cuối cùng, vào năm 1971, Đức Hồng y Mindszenty đã có thể rời đại sứ quán Hoa Kỳ, và đến Roma, sau đó định cư ở thủ đô Vienna của Áo. Mặc dù đã tám mươi tuổi, ngài bắt đầu đi khắp thế giới để mang lại niềm an ủi cho cộng đồng người Hungary.

Mặc dù lịch sử của ngài là một lịch sử về sự tử đạo, nhưng án tuyên phong chân phước của ngài lại bắt đầu như là một người tuyên xưng đức tin, bởi vì ngài không chết như một vị tử đạo. Gergely Kovacs, thỉnh nguyện viên của án phong chân phước cho Đức Hồng Y, nhấn mạnh rằng dù sao, “câu chuyện về cuộc đời của ngài cho chúng ta thấy rằng ngài là một vị tử đạo, bởi vì ngài đã tử đạo, ngay cả khi không bị giết. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu thú vị về cuộc đời của ngài. Những năm cuối ở tù ngài mắc phải hai căn bệnh hiểm nghèo về dạ dày và phổi. Sau khi ngài được tự do, những căn bệnh này đã quay trở lại.”

Vì lý do này, chúng ta có thể nghĩ rằng án phong chân phước cho ngài đã được xác định là tử đạo vì những gian khổ, một công thức đã được sử dụng cho việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Teofilo Matulionis của Litva và Đức Giám mục Công giáo Hy Lạp Iuliu Hossu ở Rumani.

Cáo thỉnh viên án phong chân phước cũng cho biết rằng có những nhóm cầu nguyện cho việc phong chân phước cho Đức Hồng Y Mindszenty ngay cả ở Nigeria. Người ta ước tính rằng một triệu rưỡi lời cầu nguyện được dâng lên mỗi ngày để cầu nguyện cho việc phong chân phước cho Đức Hồng y Mindszenty.

Chân phước Janos Benner

Cha Janos Benner đã được tuyên phong chân phước. Ngài là một linh mục của Szombathely, và chế độ cộng sản tin rằng ngài là một đối thủ bởi hoạt động mục vụ của ngài. Đức Giám mục đề nghị chuyển ngài đi nơi khác vì lý do an ninh, nhưng ngài trả lời rằng ngài hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Thỉnh nguyện viên Kovacs nói: “Đó là một ví dụ rất đẹp. Cha ấy còn trẻ. Cha được yêu cầu đi ban các bí tích cho một người bệnh và cha đã đi và mang theo Thánh Thể. Trên đường đi, cha đã bị giết một cách dã man với 32 vết đâm bởi một nhóm hơn mười cảnh sát. Người ta tìm thấy cha đã chết khi tay vẫn cầm hộp đựng Mình Thánh Chúa.”

Rõ ràng là vụ giết người là có chủ ý. Ông Kovacs giải thích rằng cha Benner là “một linh mục rất tốt, được giới trẻ kính trọng. Trong những năm sau cuộc cách mạng năm 1956, đảng cộng sản muốn củng cố quyền lực của mình đối với Giáo hội Công giáo. Đảng cộng sản đã ra lệnh ngăn chặn hoặc cảnh cáo cha, nhưng cảnh sát đã đi xa hơn đến mức sát hại cha.”

Câu chuyện về Chân phước Bathhiany

Có một câu chuyện mà Đức Thánh Cha sẽ nối kết với án phong chân phước cho Maria Teresa Coreth, vợ của Chân phước Batthiány-Stratman, người đã được phong chân phước vào năm 2003. Học viện dành cho người mù mà Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm vào sáng ngày 29/4 được đặt theo tên của chân phước Batthiány-Stratman.

Chân phước László Antal János Lajos Batthyány-Strattmann được mệnh danh là “bác sĩ của người nghèo”. Ngài là một người quý tộc, một hoàng tử, sinh năm 1870 và qua đời năm 1931, và là người đã chọn nghề dân sự thay vì được hưởng những đặc quyền của địa vị quý tộc của mình.

Là con thứ sáu trong số sáu người con, ngài sớm nhận ra mình không có cha, người đã bỏ rơi gia đình, và không có mẹ, khi Nữ bá tước Ludovika Batthyány đã qua đời khi ngài mới 12 tuổi. Ngài có một phần đời đầy sóng gió, học tại Đại học Vienna trong nhiều khóa học khác nhau, bao gồm hóa học, triết học và lịch sử âm nhạc, và chỉ đến năm 1896, ngài mới phát hiện ra ơn gọi học y khoa của mình.

Trong bốn năm trước khi tốt nghiệp, ngài gặp Nữ bá tước Maria Theresia Coreth vùng Coredo und Starkenberg, và kết hôn với bà vào năm 1898. Họ có 12 người con. Chân phước László không ngừng học hỏi, đầu tiên trở thành bác sĩ phẫu thuật và sau đó là bác sĩ nhãn khoa. Ngài đã mở bệnh viện nông thôn đầu tiên của Hungary ở Kittsee.

Các vị tử đạo dòng Phanxicô

Tiếp đến là án phong chân phước của “các vị tử đạo dòng Phanxicô”, hay đúng hơn là của Cha Bernát Károly và các bạn tử đạo. Tất cả các ngài đều là tu sĩ dòng Phanxicô, tất cả đều bị giết vì lòng thù hận đức tin trong thời cộng sản.

Cha Károly thậm chí đã từng đi truyền giáo ở Trung Quốc, rồi trở lại Hungary vào năm 1938, và sau đó thành lập một bệnh viện vào cuối Thế chiến thứ hai. Năm 1945, ngài phản đối việc đối xử hạ nhục các tù nhân chính trị và do đó ngài đã bị bắt. Sau đó, cha bị bắt hai lần vào năm 1949, lần đầu tiên vì “tuyên truyền chống dân chủ”, và sau đó vì “âm mưu chống dân chủ chống lại Cộng hòa Nhân dân”. Vì điều này, cha đã bị kết án 15 năm tù vào năm 1950 và trong tù cha đã bị hành hạ tra tấn. Theo các nhân chứng, cha tiếp tục tuyên xưng đức tin và giúp đỡ họ cho đến khi chết vì đau đớn.

Cha Rafael Kriszten đã nổi bật trong Thế chiến thứ hai khi cứu rất nhiều người bị bách hại. Năm 1950, việc trục xuất các tu sĩ bắt đầu. Nhưng khi xe cảnh sát dừng lại trước tu viện, đám đông đã phản đối. Các cuộc biểu tình kết thúc một cách dã man trong đêm, và Cha Rafael và ba cha dòng Phanxicô khác bị đánh đập và trục xuất. Cha Rafael bị kết án tù chung thân vào ngày 26 tháng 5 năm 1951 vì tội âm mưu, và đã qua đời vào năm 1952 do bị hành hạ tra tấn.

Cha Krizosztom Körösztös đến từ tu viện Novi Sad, ở Serbia, thuộc tỉnh dòng Hungary, và cha đã tiếp tục ở lại đó mặc dù biết rằng mình đang gặp nguy hiểm. Vào ngày 23 tháng 10 năm 1944, các tù nhân tôn giáo và các tù nhân khác bị quân đội Serbia bắt giữ, và vào ngày 28 tháng 10, họ bị giết.

Một vị tử đạo khác của tu viện Phanxicô ở Novi Sad là Cha Kristóf Kovács. Vào năm 1944 cha đã xin được chuyển đến Vojvodina vì cha muốn tử đạo vì Chúa Kitô. Cha cũng bị bắt và bị trục xuất vào ngày 26 tháng 10 năm 1944. Cha tiếp tục an ủi những người bạn đồng hành của mình trong thời gian bị giam cầm, giải tội cho họ vào ban đêm, ban bí tích giải tội cho những người đã không xưng tội trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, cha đã bị tách khỏi những người bạn đồng hành của ngài và bị xử bắn.

Cha Szaléz Kiss là linh hướng của các chủng sinh của tu viện dòng Phanxicô ở Gyöngyös từ năm 1944. Để tập hợp thanh niên của thành phố, cha đã tổ chức Hợp tác xã Thanh niên Dân chủ Kitô giáo vào năm 1945, tổ chức mà những người Cộng sản không tán thành vì nó làm suy yếu hoạt động mà họ tổ chức trong giới trẻ. Cha Szaléz Kiss bị bắt vào ngày 28 tháng 4 năm 1946 với cáo buộc sai trái là lãnh đạo một âm mưu vũ trang và xúi giục các học trò của mình giết binh lính Liên Xô bằng cách hứa ban phép giải tội cho họ trước. Đó là những lời vu khống, bởi vì, sau này người ta xác định chắc chắn rằng cha chưa bao giờ vi phạm ấn tín tòa giải tội. Cha bị hành quyết vào ngày 10 tháng 12 năm 1946 tại Sopronkőhida.

Cha Zénó Hajnal là bề trên của tu viện Phanxicô Nagyatád. Vào Chúa Nhật Phục sinh năm 1945, binh lính Bulgaria đã chiếm ngôi làng và đuổi cư dân, bao gồm cả linh mục quản xứ, Pál Martincsevics và Cha Zénó, người tị nạn tại giáo xứ, và họ phải tham gia cuộc tuần hành. Khi một người lính Bulgari nhìn thấy các linh mục mặc áo dòng, anh ta đã gọi các ngài và bắn các ngài. Người lính đã giết họ vì lòng căm thù đức tin.

Phiên tòa xét xử một thành viên của tu viện dòng Phanxicô ở Hatvan, Pelbárt Lukács, được hợp nhất với phiên tòa xét xử Szaléz Kiss. Cha bị buộc tội đã đảm bảo liên lạc giữa các thành phố Hatvan và Gyöngyös trong âm mưu chống Liên Xô và đã có được thông tin về việc chuẩn bị cho vụ ám sát binh lính ở Gyöngyös. Cha Pelbárt bị bắt vào những ngày đầu tiên của tháng 5 năm 1946 và chính quyền Hungary đã đưa cha ra tòa án chiến tranh Liên Xô. Vào cuối một phiên tòa trình diễn, cha đã bị kết án mười năm lao động khổ sai. Cha Pelbárt qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1948 vì ung thư thanh quản, giữa nhiều đau khổ.

Đức cha Aaron Marton

Án phong chân phước cho Đức cha Alba Iulia Aron Marton đã được bắt đầu từ năm 1992. Đức cha cư ngụ ở phần đất của Transylvania đã được chuyển giao cho người Rumani sau Hiệp ước Trianon năm 1918. Ngài bị chính quyền cộng sản Rumani bách hại vì theo họ, ngài ủng hộ các hoạt động kháng chiến của Hungary. Là người hoạt động ủng hộ người Do Thái, nhiệt thành ủng hộ tự do và nhân quyền, Đức cha đã bị cầm tù từ năm 1949 đến 1955, và bị quản thúc tại gia từ năm 1957 đến 1967. Sau đó, ngài trở lại hoạt động mục vụ, được bổ nhiệm làm tổng giám mục, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Rumani.

Năm 1969, Đức Phaolô VI được khuyên, như một tín hiệu cho chính quyền Rumani, đã phong hai Đức cha Iuliu Hossu (được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước vào năm 2019) và Đức cha Marton làm Hồng y. Chính quyền Rumani tuyên bố rằng việc thăng Đức cha Hossu làm Hồng y là không thể chấp nhận, vì vậy Đức cha Marton đã từ chối nhận tước vị Hồng y. Đức Phaolô VI đã phong Đức cha Hossu làm Hồng y in pectore (việc giữ kín tên vị Hồng Y), và tên của ngài chỉ được tiết lộ vào năm 1974, một năm sau khi ngài qua đời.

Đức cha Marton được xem là một vị thánh của Hungary mặc dù là một tổng giám mục người Rumani, và danh tiếng về sự thánh thiện của ngài rất phổ biến.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê