Cuốn sách bắt đầu bằng cụm từ “giờ cuối cùng”, một suy tư ý nghĩa bắt đầu từ cuộc tấn công của Hamas vào ngày 07/10, và tiếp tục với những cuộc chiến tranh khác. Trong bốn chương, Đức Tổng Giám Mục Paglia đối thoại với nhà báo và nhà văn Domenico Quirico về các chủ đề đang nóng hiện nay: chiến tranh, hoà bình, thế giới “không có gì cả”, hai thách đố liên quan đến người di cư và người già.
Thông điệp của cuốn sách và của hai người đối thoại rất rõ ràng: để thoát khỏi “thế giới bị phân mảnh” cần biết cách đối thoại với mọi người, bắt đầu từ những người rốt cùng, khuyến khích sự gặp gỡ giữa các dân tộc để xây dựng một cuộc sống chung hoà bình, chống lại những căng thẳng đưa đến xung đột. Thật đáng tiếc chúng ta đã thấy trong quá khứ và đôi khi vẫn còn cho đến ngày nay những xung đột ngày càng bi thảm do được hỗ trợ bởi tôn giáo. Thúc đẩy sự gặp gỡ giữa các tín đồ của các tôn giáo đòi hỏi một quá trình làm việc lâu dài và kiên nhẫn.
Trong phần giới thiệu sách, Đức Tổng Giám Mục khẳng định: “Con người toàn cầu hoá trở thành một thách đố khó khăn cho Kitô giáo ngày nay. Đức Thánh Cha hiểu rõ điều này và đã cho chúng ta những tầm nhìn để chạm đến tâm trí và con tim của mọi dân tộc. Với thông điệp Laudato si’ ngài đã phác hoạ ‘ngôi nhà chung’ cần được chăm sóc - ngôi nhà chung duy nhất mà chúng ta có, ít nhất cho đến thời điểm này - và với thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha đã chỉ ra gia đình duy nhất sống trong trong ngôi nhà này, một gia đình gồm nhiều dân tộc khác nhau nhưng tạo thành một gia đình trên hành tinh này”.
Hai tác giả tin tưởng chắc chắn vào khả năng xây dựng một thế giới “huynh đệ” và mời gọi các độc giả đón nhận những suy tư của mình, bởi vì mọi người nam người nữ trong mọi thời đại đều có quyền sống, ước mơ và làm việc, hy vọng và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và con cháu. Tình huynh đệ là chìa khoá của một nghệ thuật nhưng không để xây dựng một thế giới công bằng hơn. Bắt đầu từ những người rốt cùng là cần thiết để xây dựng một thế giới khác.
Nguồn: vaticannews