LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
THÁNG 3 – NĂM 2023
LẠY CHÚA, CON PHẢI LÀM GÌ?
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Chúng ta tĩnh tâm tháng ba trong tâm tình mùa chay thánh. Chúa Giêsu đưa Giáo hội vào sa mạc để con cái Giáo hội tìm về cội nguồn, lẽ sống, và cùng đích đời mình. Trong tĩnh lặng nội tâm, trầm tư, các tín hữu đi vào hiện sinh, thực chất hiện hữu của mình. Phận người vốn đẹp, thiện hảo, và chân thực, nhưng lại rơi vào thân tro bụi, giới hạn, bất toàn. Con người sống cái hôm nay tại thế mong manh mà lòng những khát khao cõi phúc vững bền. Thời gian này con cái Giáo hội được ‘cor ad cor’ (lòng kề bên lòng) (Hs 2: 16) nghe lời Đấng là ‘Tình Yêu’ (1Ga 4: 8) nhắn nhủ đây là ‘thời ân sủng’, đây là ‘ngày cứu độ’ (2Cr 6: 2).
Một
Chúng ta đặt mình vào khúc quanh cuộc đời Thánh Phaolô, đường Đamas, thời khắc ‘vào khoảng giữa trưa’ (Cvtđ 26: 12) bị ‘bổ nhào xuống đất’ (Cvtđ 26: 14). Phaolô là ai?
Phaolô được dịp phân trần trước Hoàng thượng Agrippa về mình bị người ‘Dothái’ ‘cáo tội’ ‘vì mối hy vọng đặt trên lời hứa Thiên Chúa đã ngỏ với cha ông chúng tôi…’ và ‘Tại sao trong các ngài, người ta lại coi như không thể tin được việc Thiên Chúa cho người chết sống lại?’ (Cvtđ 26: 6.8).
Phaolô chứng minh cuộc xoay chiều bản thân giữa cái xưa kia và cái hôm nay, giữa cái hôm nay gắn bó với Chúa Giêsu phục sinh và cái xưa kia… ‘điên cuồng’…
‘Phần tôi, xưa kia đã nghĩ là phải dùng mọi phương chống lại Danh Giêsu Nazarreth. Đó là điều tôi đã làm ở Giêrusalem, dùng quyền các thượng tế đã ủy cho, tôi đã nhốt khá nhiều người trong các thánh vào các ngục thất. Họ mà bị án tử, tôi liền lên tiếng chấp thuận…’ (Cvtđ 26: 9.10).
‘Tôi đã trẩy đi Đamas, với ủy quyền và bài sai của các thượng tế. Trên đàng, vào khoảng giữa trưa, tôi đã thấy tự trời một ánh sáng vượt quá mặt trời chói lọi, lóe sáng bao lấy tôi và các bạn đồng hành. Và trong khi hết thảy chúng tôi bổ nhào xuống đất, thì tôi nghe có tiếng nói cùng tôi bằng tiếng Hipri: ‘Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?’ (Cvtđ 26: 14).
Bị ‘bổ nhào xuống đất’, Saul bị tước đi thế thượng phong hung hăng. Bài sai và quyền lực các thượng tế đã ủy cho bây giờ thành vô hiệu…
Trực giác Đấng bị bắt bớ quyền lực khiến ông nói: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ (Cvtđ 26: 15). Và Chúa đã phán: ‘Ta là Giêsu, ngươi đang bắt bớ!’ (Cvtđ 26: 15).
Các tín hữu bị bắt bớ lúc này ‘đáng nể’ vì là một với Chúa Giêsu: ‘Đòn xóc dí sau, đá lại thì khốn’ (Cvtđ 26: 14)…
Bối cảnh độc đáo này khai quật cả chiều sâu tâm hồn Phaolô. Khúc quanh xoay chiều đổi đời này của Phaolô là ân sủng của tình thương cứu độ của Thiên Chúa’. Ân sủng là tình yêu cứu độ đã hiện diện trước sẵn đó trong hiện hữu của Phaolô: ‘Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi…’ (Gal 1: 15.16).
Phaolô biết phận mình, chân thành thưa: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ (Cvtđ 22: 10).
Và Chúa đã phán:
‘Chỗi dậy mà vào Đamas. Ở đó sẽ nói cho ngươi mọi điều đã định cho ngươi làm’ (Cvtđ 22: 10). Phaolô chỗi dậy vào Đamas gặp Giáo hội. Giáo hội qua tay thầy Hananya ban cho Phaolô hai ơn:
‘Hananya… vào nhà và đặt tay cho Saulô, ông nói: ‘Anh Saul, Chúa đã sai tôi, Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra cho anh trên đàng anh đến, để anh lại được thấy, và được đầy Thánh Thần. Và lập tức, bong khỏi mắt Saolô như những cái vảy, và ông lại thấy được. Chỗi dậy, ông đã chịu Thánh Tẩy. Đoạn ông dùng lương thực và lại sức’ (Cvtđ 9: 17-19).
Hai
Hãy để lời Chúa Giêsu cho Phaolô âm vang cho lòng ta: ‘… Sao ngươi bắt bớ ta?’
Tôi có bắt bớ Chúa Giêsu không? Thoạt nghe, ta có thể đáp ngay, không bao giờ con bắt bớ Chúa, không đời nào đệ tử lại phản thầy, Giuđa chứ khẳng phải con… nhưng tôi nghĩ sao khi chính Chúa Giêsu nói:
‘Vì xưa Ta đói mà các ngươi không cho Ta ăn, Ta khát mà các ngươi không cho Ta uống. Ta là khách lạ mà các ngươi không tiếp rước. Ta mình trần mà các ngươi không cho mặc. Ta đau yếu và ở tù mà các ngươi đã không thăm viếng… Quả thật Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta’ (Mt 25: 42-45)…
Với tôi hôm nay, danh sách có thể dài thêm… tâm tưởng tự mãn khinh thường phẩm giá tín hữu, nóng giận mắng mỏ cộng đoàn có khi cả trên tòa giảng, dửng dưng trước nỗi đau đồng loại nên không động não tìm cách thức ‘phải’ nhất giúp họ, cử hành cẩu thả pha phôi cái riêng bốc đồng vào Phụng vụ Thánh, bài giảng đề cập mọi thứ trừ Lời ban ‘sự sống đời đời…’ (Ga 6: 68)… Tôi đang mặc nhiên bắt bớ Chúa Giêsu, đang làm khổ Giáo hội… vì không còn là mục tử nhân hậu của đoàn chiên.
Hãy đến cùng Giáo hội hoặc là để Chúa đưa Giáo hội đến với mình, Giáo hội mang theo cho tôi hai ân huệ như cho Phaolô: ‘Anh Saul, Chúa đã sai tôi, Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra cho anh trên đàng anh đến, để anh lại được thấy, và được đầy Thánh Thần’.
Ơn đầy Thánh Thần…, vì không có Thánh Thần, không có Giáo hội của Chúa Kitô phục sinh… Và nhờ đầy ơn Thánh Thần mà được thấy: chiều sâu, độ cao, và tầm xa… của mạc khải… đặc biệt trong hiện tại nghiệm được sự khẩn thiết Đức Thánh Cha Phanxicô dạy ‘Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ’… ‘Theo Thánh Thần mà tiến bước’ (Gal 5: 25).
Ba
Vào mùa chay năm nay, chúng ta nghiêm chỉnh mở lòng đón nhận đường hướng mục vụ Giáo phận: hiệp hành. Chúng ta đào sâu ý nghĩa thế nào là hiệp thông, tham gia và sứ vụ để thực hiện hiệp hành nơi Giáo xứ, Gia đình, Hội đoàn.
Thế nào là hiệp thông? Vào một tiệm kim hoàn, người ta thấy rực rỡ những đồ trang sức đắt giá bằng bạc, vàng, kim cương… nhưng xét dưới góc độ hiệp thông, những đồ trang sức này đặt bên nhau không hơn gì đống đá ven đường, vì cùng là khoáng vật chẳng có nối kết gì giữa chúng. So đồ trang sức với một ngọn cỏ, ngọn cỏ ‘hiệp thông’, sự hiệp thông nội tại chặt chẽ. Ngọn cỏ mang những đặc tính ‘hiệp thông’ của sự sống: nguyên lý thống nhất (hiệp thông) từ gốc rễ đến ngọn, có khả năng trao đổi chất để sống và phát triển và khi trưởng thành có khả năng tạo giống hạt truyền sinh cho giống loại mình. Dù vậy, ngọn cỏ này không tương trợ gì cho ‘bạn’ ngọn cỏ ngay bên. Ngọn cỏ có thể chết khô bên dòng nước… trong khi động vật lại có khả năng di chuyển, trợ giúp giống loại và hiệp thông linh hoạt. Riêng con người, sự hiệp thông phong phú vượt trội. Con người là họa ảnh Thiên Chúa, với nội giới: tư tưởng, cảm nhận, ý chí tự do… với xã hội tính bao hàm các mối tương quan đa dạng… với niềm khát khao tuyệt đối, bồi hồi đeo đẳng mãi đến khi nhiệm hiệp cùng Thiên Chúa… Hiệp thông nâng lên đến phạm trù ‘yêu’, mà yêu thương đến cùng (x. Ga 13: 1).
Thế nào là tham gia? Dù là Đấng quyền năng, Thiên Chúa không cứu thế một mình. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội, đã muốn con người tham gia vào công trình tình yêu cứu độ của Người… Tâm thức mơ hồ… không thể ‘tham gia’. Ý niệm tham gia của ‘hiệp hành’ dựa trên kinh nghiệm Giáo hội ban đầu. Đây là tiêu chí chọn một người thế chỗ Giuđa tham gia ‘hiệp hành’ với các tông đồ:
‘Trong hàng những người đã cùng đi với chúng tôi, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Đức Giêsu bị cất khỏi chúng tôi, phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Ngài’ (Cvtđ 1: 21.22)…
Người tham gia hiệp hành cơ bản phải đủ năng lực làm chứng Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Nếu không, người ấy chỉ tham gia ‘chầu rìa’ hoặc có khi ‘phá đám’ công cuộc của Thiên Chúa. Từ đây đặt ra nhiệm vụ đào tạo cho sự tham gia. Là mục tử tôi đã làm gì?
Thế nào là sứ vụ? Sứ vụ đặt nền trên bí tích Thánh Tẩy, quen gọi là phép Rửa tội. Bí tích Thánh Tẩy đặt nền trên lễ Vượt Qua cứu độ là biến cố Chúa chết trên Thập giá và Chúa sống lại hiển vinh. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tín hữu được dìm vào sự chết của Chúa Giêsu và cùng được sống lại với Người, trong sự sống mới:
‘Nhờ Thánh Tẩy, ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Chúa Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới’ (Rm 6: 4).
Sứ vụ bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy đưa con người vào đời sống mới bằng ba hoạt động: Truyền rao Tin Mừng. Thánh hóa mọi thực tại. Dẫn đường phục vụ. Một số tín hữu thi hành sứ vụ trong ân sủng bí tích Truyền Chức, với tư cách Chúa Kitô mục tử…
Bốn
Ý chí thực hiện hiệp hành liên tưởng trực tiếp phương cách tiến hành.
Đức Thánh Cha Phanxicô căn dặn việc nhất thiết phải làm như sợi chỉ đỏ xuyên suốt là hướng về Chúa Thánh Thần. Trước ngày chính thức khai mạc Thượng Hội đồng, 9.10.2021, Đức Thánh Cha đã dành một ngày tĩnh tâm cùng với Văn phòng Tổng Thư ký và 300 tham dự viên về Rôma tham dự ngày khai mạc, Ngài chia sẻ lời tâm huyết:
‘Thượng Hội đồng không phải là một nghị trường hay một cuộc thăm dò ý kiến. Thượng Hội đồng là một biến cố mang tính Giáo hội và Đấng đóng vai chính là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện, sẽ không có Thượng Hội đồng’.
Ba nguy cơ có thể làm vuột mất ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho: Trước tiên, nguy cơ chạy theo hình thức, như người ta ngắm mặt tiền nhà thờ tráng lệ mà chẳng hề bước vào bên trong. Nguy cơ thứ hai, chạy theo lý thuyết trừu tượng sinh ra các phe nhóm và xa rời thực tại cuộc sống các cộng đoàn dân Chúa trên khắp thế giới. Nguy cơ thứ ba, không muốn thay đổi vì tự mãn: dùng giải pháp cũ cho những vấn đề mới làm khập khiễng, sự cứng cỏi khô khẳng là liều thuốc độc giết sinh mệnh thiêng liêng cá nhân và cộng đoàn.
Khuôn vàng thước ngọc được ghi sâu trong tâm não hiệp hành là phong cách ba phương diện, vừa riêng như một tiến trình, lại vừa hòa chung làm thành ‘duyên ân sủng’ trổ sinh hoa trái Thánh Thần: Gặp gỡ - Tâm sự - Phân định (Hiện diện bên nhau – Trao đổi nỗi niềm – Mở lối tương lai…)
Hồi tưởng ba thuật trình tiêu biểu trong sách Tin Mừng: ‘Thanh niên giàu có’ (Mc 10: 17-22), ‘Người phụ nữ Samari’ (Ga 4: 1-42), ‘Hai môn đệ đi Emmau’ (Lc 24: 13-35), chúng ta nhận ra phong cách Chúa Giêsu, Chúa chúng ta hiệp hành:
Với người thanh niên, ‘nhằm lúc Chúa ra đi lên đàng’, Chúa đã dừng lại bên anh. Với phụ nữ Samari, giữa trưa nắng nôi, chừng giờ thứ sáu, dù mỏi mệt vì đàng sá, Chúa Giêsu ‘ngồi phệt xuống bên giếng’, chờ chị. Với hai môn đệ đi Emmau, ‘Chúa Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ’…
Phương diện thứ hai, nghĩa tình, khôn lường những mảnh đời… cái hay cái đẹp, cái tốt cái xấu, cái thực cái hư… tâm hồn người thanh niên từ tấm bé, phụ nữ lênh đênh phận bèo không bến đậu, nỗi niềm tiếc nuối cảm thương: ‘Làm sao các thượng tế và hàng đầu mục của chúng tôi lại đã nộp Ngài, cho Ngài bị án tử hình và người ta đã đóng đinh thập giá Ngài’… Chúa Giêsu linh hoạt thân tình vào tận cõi sâu thẳm hơn cõi thẳm sâu của lòng tôi (Augustinô, intimior intimo meo). Chúa bước vào với đầy lòng tôn trọng, ‘tôn kính’ như thể đã ‘cởi dép’ ra trên mảnh đất tâm hồn người mình gặp gỡ…
Phương diện thứ ba… Trổ sinh hoa trái của Thánh Thần… Phụ nữ Samari tâm sự ‘Tôi biết Đức Mêsia, tức là Đức Kitô… và bỏ vò nước đi vào thành mà nói với người ta: Hãy đến mà xem…’ Hai môn đệ đi Emmau, ‘mắt họ mở ra và họ nhận biết Ngài, và họ nói cùng nhau: Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao?’. Ngay cả nơi thanh niên giàu có, khuôn mặt ‘sầm sầm xuống, vì lời đó mà bỏ đi buồn rầu…’ vẫn là như ấp ủ trong lòng hạt mầm ‘sự sống đời đời’ anh đang mơ ước ‘làm cơ nghiệp’.
Anh chị em rất thân mến,
Chúng ta không muốn ‘chữ nghĩa hiệp hành’ như cái vỏ hình thức, bàn luận sôi nổi một thời và xếp vào góc quên lãng. Hiệp hành, ‘Journeying together’, cùng nhau tiến bước… Toàn thể Giáo hội, cả những người ‘trái chiều’ nhưng thiện chí, cùng tiến bước…
Linh mục tu sĩ, qua đời sống thánh hiến (trọn con tim dâng lên Chúa, trọn ý chí thuận theo ý Chúa, trọn đời thanh thoát như Chúa) được thôi thúc canh tân mục vụ, áp dụng kinh nghiệm Giáo hội, giáo huấn của Đức Thánh Cha… không ‘cứu thế’ một mình… ‘một cây làm chẳng nên non’…
Linh mục tu sĩ thay thế não trạng của Chúa và của Giáo hội làm não trạng của mình. Hãy hội nhập những giờ phút phong cách Chúa Giêsu với ‘Thanh niên giàu có’, ‘Người phụ nữ Samari’, Hai môn đệ đi Emmau’… vào phong cách sống của mình… để hiệp thông với các cộng tác viên, đào tạo họ thêm năng lực chứng nhân Chúa Giêsu Kitô phục sinh và cùng nhau tiến bước trên đường sứ vụ.
Tôi, được thánh hiến làm mục tử, không biết ‘tôi’ có đang bâng khuông, về vị trí mình đứng ở đâu đối với đoàn chiên…?
Đức Thánh Cha Phanxicô đặt vào nỗi bâng khuông của tôi vị trí mục tử đích thực:
‘Một mục tử có trái tim của Chúa được khuyến khích là một mục tử luôn luôn di chuyển. Trong sự tiên phong của chúng ta, có khi chúng ta đi trước, có thời gian ở giữa, có lúc đi sau. Đi trước để hướng dẫn cộng đoàn, đi giữa để khích lệ và nâng đỡ, và đi sau để giữ gìn sự hiệp nhất, để không ai lạc mất ở đàng sau’.
Nguyện xin Đức Trinh Mẫu đầy ân phúc, Thánh Cả Giuse, chuyển cầu trước nhan Thiên Chúa cho chúng ta biết ‘Sentire cum Ecclesia’, biết ‘lo cái lo’ của Chúa và Giáo hội, biết ‘journeying together’ cùng nhau tiến bước...
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc