Thư gửi Đức Thánh Cha được mở đầu bằng việc nhắc lại vụ tấn công vào ngày 07/10 làm cho khoảng 1.200 thường dân bị chết và 240 người bị bắt làm con tin. Theo các tác giả lá thư, đây là vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất từ sau Diệt chủng Do Thái (Holocaust). Nhưng tội ác diệt chủng của Hamas lại được nhiều người ở các nơi trên thế giới ca ngợi và coi là hành động kháng cự hợp pháp để giải phóng Palestine.
Các giáo sĩ và học giả Do Thái đánh giá cao việc nhiều lần Đức Thánh Cha, một số Hồng y và Giám mục lên án chủ nghĩa bài Do Thái và quyền tự vệ của Israel, đồng thời chia sẻ nỗi đau của Giáo hội đối với thường dân Palestine bị chết trong cuộc chiến đang diễn ra mặc dù họ không hề phạm tội ác nào.
Các tác giả nói rằng họ hiểu Giáo hội tìm cách duy trì, dựa trên những cân nhắc ngoại giao, tính trung lập về chính trị trong cuộc chiến ở Trung Đông khi có nhiều quyền lực tham gia. Tuy nhiên, họ mong muốn Giáo hội giữ vai trò là ngọn hải đăng về mặt đạo đức và có sự rõ ràng về khái niệm trong biển thông tin sai lệch và bóp méo thực tế, phân biệt giữa những phê bình chính đáng đối với các chính sách của Israel và sự phủ nhận ghê tởm quyền được tồn tại của người Do Thái và Israel.
Giải thích ý nghĩa nội dung lá thư, bà Karma Ben Johanan, giáo sư đại học Do Thái ở Giêrusalem, một trong những người ký tên, nói với Báo Quan sát viên Roma rằng, thư được viết dựa trên sự tin tưởng vào tình bạn bền chặt đã được xây dựng từ sáu mươi năm qua với cộng đoàn Kitô, và mong muốn tình bạn này tiếp tục bền vững trong những thời điểm khó khăn cũng như trong thời bình.
Theo bà giáo sư, sáng kiến viết thư cho Đức Thánh Cha nảy sinh ra từ cú sốc, nỗi đau, của các giáo sĩ, học giả và các lãnh đạo tôn giáo đang tham gia vào cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo, sau vụ thảm sát khủng khiếp do Hamas gây ra. Thêm vào đó là cảm giác cô đơn sâu sắc, được thúc đẩy bởi làn sóng chủ nghĩa bài Do Thái lan rộng khắp thế giới và họ không tin rằng nó vẫn có thể xảy ra trong thời đại này. Hy vọng sự cô đơn này có thể được hỗ trợ bởi sự an ủi của Giáo hội Công giáo, điều mà người Do Thái đã nỗ lực hướng tới trong nhiều năm.
Nguồn: vaticannews