Hội nghị trực tuyến, được tổ chức vào ngày 16/12, là một phần của các sáng kiến do Khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm Hoa Đông Trung Quốc (ECNU) ở Thượng Hải tổ chức.
Tại cuộc gặp gỡ, cha Belluomini đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về sự khởi đầu của “Hội Truyền bá Đức tin” được thành lập vào năm 1622 “để truyền bá đức tin Công giáo trên thế giới”.
Chuyên viên lưu trữ của Bộ Truyền giáo cho biết Hội được thành lập vào ngày 06/01/1622, ngày Giáo hội cử hành Lễ Hiển linh, một sự lựa chọn mang tính biểu tượng để nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Hội là kêu gọi mọi người trên thế giới đến gần Chúa Giêsu Kitô và trở nên đàn chiên của Người.
Cha Belluomini nhấn mạnh, Hội Truyền bá Đức tin phải hiểu biết thế giới để hướng dẫn các nhà thừa sai và mở rộng hoạt động truyền giáo. Một hiểu biết mà thời đó đã có được chủ yếu thông qua việc đọc các lá thư và phúc trình từ các quốc gia truyền giáo. Các nhà truyền giáo đã gửi thư, bản đồ, hình ảnh và phúc trình đến Roma. Các vị cũng đã trình bày lên Hội Truyền bá Đức tin và Tòa Thánh những điều “chưa rõ” về cách loan báo Tin Mừng, có tính đến các bối cảnh và nền văn hóa khác nhau nơi họ làm việc. Vì lý do này, Văn khố Lịch sử của “Hội truyền bá Đức tin” là một kho tàng thông tin không chỉ liên quan đến lịch sử của Giáo hội nhưng còn cả những nơi trên thế giới mà Hội đã tiếp xúc.
Trong thư, các vị thừa sai cũng đưa vào thông tin về phong tục của các địa điểm, loại chữ viết và văn hóa, khí hậu, thức ăn, thực vật và động vật. Cha Belluomini cũng minh họa các biểu đồ cung cấp cái nhìn tổng quan về loạt tài liệu lưu trữ được thu thập trong Văn khố Lịch sử “Bộ Truyền bá Đức tin”, đồng thời chỉ ra các mối liên hệ giữa chúng.
Sau phần trình bày của cha Belluomini là một cuộc thảo luận sôi nổi do giáo sư Zhang Rui đến từ Khoa Lịch sử của Đại học Hoa Đông Trung Quốc hướng dẫn. Các câu hỏi được đặt ra tập trung vào cuộc tranh luận về các nghi lễ của Trung Quốc.
Một số giáo sư Trung Quốc bày tỏ mong muốn tiếp tục và tăng cường hợp tác với văn khố để có được quyền truy cập vào các tài liệu thú vị về mặt lịch sử Trung Quốc và sứ vụ của Giáo hội tại Trung Quốc. Theo các học giả Trung Quốc, tài liệu trong văn khố của Bộ Truyền giáo có thể đưa ra những hiểu biết và những quan điểm lịch sử mới, cũng như liên quan đến các chủ đề lịch sử cho đến nay chỉ được nghiên cứu nhờ vào văn khố của các dòng tu.
Nguồn: vaticannews