Thực vậy, về Ucraina, báo chí quốc tế hiện nay thường chỉ chú ý đến những tin tức có phần khác lạ.
Ví dụ hôm 28/11/2023, ngoại trưởng của các nước thuộc khối Nato đã nhóm họp tại Bruxelles để xác định hành trình gia nhập của Ucraina vào Liên minh này. Trước đó, bão tố đã thổi vào miền Crimea, những vùng của Ucraina bị Nga chiếm đóng. Hai triệu người không có điện tại hơn 2 ngàn thành phố và làng mạc tại 16 miền của Ucraina, như lời tuyên bố của tổng thống Zelensky.
Sự ít chú ý này đối với Ucraina có thể vì mặt trận từ nhiều tháng nay giữa Nga và Ucraina tương đối yên tĩnh. Ngoài ra, nhiều nước Tây phương tỏ ra mệt mỏi vì chiến tranh tại nước này. Và tuy nước Đức và Hà Lan đã hứa giúp thêm 10 tỷ Euro cho Ucraina, nhưng khoản viện trợ thứ 8 của Liên hiệp Âu Châu với 500 triệu Euro dành cho nước này đã bị chặn lại vì việc phủ quyết của Hungary.
Chiều Chúa nhật trước đó, 25/11/2023, Nga đã ồ ạt phóng vào Ucraina 75 máy bay không người lái, nhưng 74 máy bay bị phòng không Ucraina bắn hạ, trong đó có 60 máy bay trên vùng trời thủ đô Kiev. Còi báo động ở thủ đô đã réo trong 6 tiếng đồng hồ, từ lúc 2 giờ 37 phút đêm. Không có người nào chết nhưng có 5 người bị thương, trong đó có 1 em bé 11 tuổi.
Một máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ ở quận Dnieper thuộc Kiev, nhưng mảnh máy bay và tiếng nổ xảy ra gần nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Phục Sinh của Đức Tổng Giám mục trưởng Sviatoslav Schevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ucraina Đông phương, khiến cho thánh đường cũng bị hư hại. Tiếng nổ đã làm vỡ các kiếng của Nhà thờ chính tòa, một cao ốc gần nhà thờ bị hư hại nhiều. 6 cửa sổ ở tầng hầm nhà thờ chính tòa cũng bị hỏng. Ba cửa tòa Giám Mục của Đức Tổng Giám mục trưởng bị thiệt hại (ekai.pl 27-11-2023)
Báo động khủng hoảng nhân đạo
Cũng hồi trung tuần tháng 11/2023, Đức Giám mục Phụ tá tại thủ đô Kiev đã tuyên bố với hãng tin Sir của Hội Đồng Giám Mục Ý rằng “chúng tôi có cảm tưởng đang bị quên lãng. Chúng tôi thiếu hòa bình và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho hòa bình. Mùa đông đang đến gần và trời bắt đầu lạnh. Chúng tôi sống trong một tình trạng liên tục sợ hãi vì những gì có thể xảy ra đột ngột”.
Nhắc đến sáng kiến cầu nguyện cho Ucraina nhân dịp Hội Đồng Giám Mục Ý nhóm khóa họp bất thường Assisi từ 13 đến 16/11/2023, Đức Cha Oleksandr Yazlovetskyi, Giám mục phụ tá giáo phận thủ đô Kiev, thuộc Giáo Hội Công giáo La tinh ở Ucraina, nói thêm rằng: “vì cảm tưởng bị quên lãng như thế, nên mỗi sáng kiến cầu nguyện đối với chúng tôi đều là quý giá, vì nó không để cho im lặng che đậy đau khổ của dân tộc chúng tôi. Rồi nếu chính các Giám mục hiệp nhau để cầu xin ơn hòa bình, họp nhau tại thành của thánh Phanxicô Assisi, thì kinh nguyện của các vị càng quan trọng”.
Đức cha Oleksandr kể lại: “Đêm qua, cũng có những tên lửa phóng vào Ucraina, nhưng tất cả ở Kiev này đều nói: một cuộc tấn công rất mạnh mẽ sẽ xảy ra trong thời gian tới. Vì thế, chúng tôi sống trong cái lạnh của mùa đông và trong tình trạng sợ hãi vì những gì có thể bất chợt xảy đến”.
“Người nghèo vì chiến tranh ngày càng trở nên rất đông ở đây. Những người đầu tiên chắc chắn là những người đã bị mất người thân trong chiến tranh. Hồi đầu cuộc chiến, người ta còn nói về những bạn hữu và người quen biết bị thiệt mạng. Ngày nay, không có gia đình nào ở Ucraina mà không trực tiếp hay gián tiếp phải chịu tang tóc. Họ khóc thương chồng, anh em, con cái, và những mất mát ấy để lại các vết thương sâu đậm. Một khía cạnh khác của nghèo đói cũng là cái nghèo của người đã mất mọi sự trong chiến tranh. Trước đây, Ucraina không phải là một nước nghèo. Dân chúng có nhà cửa và công ăn việc làm. Với chiến tranh, họ mất mọi sự. Một số đã phải trốn chạy khỏi gia cư, chỉ mang theo một vali nhỏ. Rồi có tới 8 triệu người Ucraina tị nạn ra nước ngoài. Rất nhiều người Ucraina đã được đón tiếp tại Ý và chúng tôi rất biết ơn”. Nhưng tương lai vẫn còn bất định. “Chúng tôi cần được giúp đỡ. Nếu không có sự bảo vệ của Âu Châu và Mỹ, chúng tôi sẽ khó tồn tại nữa”. (Sir 16/11/2023)
Các vị phụ trách Caritas Ucraina
Gần đây, một số vị trách nhiệm của Caritas-Spes, Tình Thương và Hy vọng, cơ quan bác ái của Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ Latinh, hoạt động tại 80 miền của nước này, đã lên tiếng lưu ý về thảm trạng dân nghèo, nạn nhân chiến tranh tại nước này, nhất là mùa đông đang đến gần.
Cha Piotr Rosochecki, người Ba Lan, phụ trách các hoạt động của tổ chức bác ái này ở vùng thành phố cảng Odessa ở mạn nam Ucraina, cũng báo động rằng “nếu không được hỗ trợ, dân chúng tại vùng Odessa của Ucraina sẽ không sống sót qua mùa đông này”. Vì thế thách đố lớn nhất hiện nay của cơ quan bác ái này vẫn là chuẩn bị cho mùa đông tới đây của thời chiến, nhất là trước viễn tượng Nga có thể tấn công ồ ạt vào các trung tâm điện lực và hệ thống sưởi của Ucraina, như đã xảy ra hồi năm ngoái.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban tiếng Ba Lan của Vatican News, cha Rosochecki nói rằng mỗi tháng mang lại những thách đố mới. Hiện nay vẫn còn phải chiến đấu để giải quyết hậu quả của vụ lụt sau khi đập nước ở Nowa Kachovka bị Nga phá sập, nhưng đồng thời vẫn phải tìm cách đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Cha nói: “Trước khi mùa đông tới, chúng tôi đều phải nghĩ đến việc cung cấp sưởi và áo ấm cho dân nghèo. Thời tiết ngày càng lạnh hơn. Chúng tôi tìm cách giúp đỡ củi và lò sưởi, áo ấm, giày mùa đông, và những nhu cầu khác trong mùa đông. Ngoài ra có nhu cầu giúp đỡ những người Ucraina, tuy gia cư của họ đã bị phá hủy vì chiến tranh hoặc vì lụt, nhưng nay họ dần dần hồi hương. Họ biết rằng nếu họ càng vắng mặt lâu thì sự tàn phá càng lớn hơn. Mỗi người đều muốn trở lại quê nhà của họ. Vì vậy, đối với chúng tôi, đây là lúc nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của họ trong bối cảnh mùa đông đang đến gần”.
Cha Rosochecki cũng than rằng sự chú ý của dư luận đối với Ucraina đang dần dần suy giảm, và điều này có nghĩa là viện trợ nhân đạo cho Ucraina bị giảm bớt, trong khi nhu cầu tại đây vẫn ở mức độ cao. Vì thế, nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, “Ucraina không thể sống sót trong những tuần lễ tới đây, cả về mặt nhân đạo cũng như quân sự. Hiện thời Ucraina lệ thuộc 100% vào Âu Châu”. (Ekai.pl 24/11/2023)
Cũng vậy, một linh mục ở thành phố Kharkiv cho biết không còn đồ trợ giúp người túng thiếu nữa. Đó là Cha Wojciech Stasiewicz, người Ba Lan, Giám đốc Caritas-Spes thuộc giáo phận Kharkiv ở miền đông Ucraina giáp giới với Nga. Cha xác nhận rằng đồ cứu trợ nhân đạo cho nước này bị suy giảm trầm trọng. Các nhân viên Caritas chẳng còn gì để giúp đỡ dân chúng, đặc biệt mùa đông đang gần kề.
Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ucraina, trước chiến tranh có 1 triệu 400 ngàn dân cư, và dưới thời Liên Xô đây là thủ đô của Cộng hòa Ucraina. Hồi năm 2022, thành phố này là một mục tiêu lớn của quân Nga, trước khi lực lượng xâm lăng này bị đẩy lùi lại biên giới Ucraina-Nga, dầu vậy thành này vẫn thường bị Nga pháo kích.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, cha Stasiewicz nói: “Chắc chắn mọi người đã mỏi mệt vì chiến tranh, nhưng nếu không có viện trợ từ nước ngoài, Ucraina sẽ không sống sót. Tôi cũng cám ơn Đức Thánh Cha vì liên tục nhắc nhở về tình trạng tại Ucraina. Cả trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư 29/11/2023, Đức Thánh Cha xin đừng quên Ucraina yêu quý, đang chịu đau khổ quá nhiều vì chiến tranh”.
Cha Stasiewicz cho biết thành phố Kharkiv hiện nay đang cảm thấy bầu không khí mùa đông. Trời đã giá lạnh, ban đêm nhiệt độ xuống âm 10 độ. Thêm vào đó có nhiều hoạt động hơn trong thành phố, vì nhiều dân cư mới trở về đây, nhưng chúng tôi cũng có đông đảo những người tị nạn. Vì các cuộc tấn công của Nga, nhiều người phải di tản, kể cả từ miền Kupianska và các làng mạc khác. Nhiều người đến Kharkiv với hy vọng có được một mái nhà và một công ăn việc làm. Cũng may, tuần này ở Kharkiv tương đối yên tĩnh, và chúng tôi rất vui mừng và lạc quan về tình trạng này”.
Cha nhấn mạnh rằng “những người mới đến thành phố Kharkiv hoàn toàn tùy thuộc sự trợ giúp của các tổ chức nhân đạo và những người thiện nguyện giúp đỡ. Chính quyền địa phương gửi những người tị nạn ấy đến Caritas và các tổ chức từ thiện. Chúng tôi cung cấp cho họ các quần áo ấm và các đồ tạp hóa, ngoài ra có các trẻ em trong số những người cần được giúp đỡ. Chúng tôi tổ chức các nhóm và trung tâm cộng đồng, tại đó chúng tôi đặc biệt giúp đỡ những người nhỏ bé nhất”.
Trong bối cảnh trên đây, những lời kêu gọi các tín hữu quan tâm cầu nguyện và giúp đỡ Ucraina đau thương, dân chúng chịu đau khổ quá nhiều vì chiến tranh, được Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại vào cuối mỗi buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật và các buổi Tiếp kiến chung mỗi ngày thứ Tư hằng tuần, không phải là một thói quen, nhưng là tiếng kêu nhắm giữ cho ý thức của các tín hữu luôn quan tâm đến thảm trạng Ucraina, và các vị lãnh đạo Công Giáo tại nước này đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha vì lòng quý mến này.
Nguồn: vaticannews