Trong buổi họp báo ngày 31/5, cha Cyril Gamini, phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Colombo nói: “Trong suốt lịch sử, xung đột chủng tộc và tôn giáo đã được tạo ra để giành quyền lực chính trị. Dường như cuộc xúc phạm Phật giáo là một phần của âm mưu giành quyền lực”.
Tuyên bố được đưa ra ba ngày sau khi cảnh sát bắt giữ cô Jayani Natasha Edirisuriya, diễn viên hài 31 tuổi với cáo buộc không tôn trọng Phật giáo. Cô bị buộc tội không tôn trọng Phật giáo tại một chương trình biểu diễn “tự hào của những kẻ khờ dại”. Diễn viên hài cho rằng bảo vệ trinh tiết của các thiếu nữ theo Phật giáo “là mục tiêu lớn nhất” đối với các trường do Phật giáo điều hành. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ của các nhà sư Phật giáo, các nhà phê bình và một bộ phận truyền thông trong nước. Những người chỉ trích diễn viên nói rằng cô đã thể hiện sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng triết học và văn hóa Phật giáo.
Trước đó, ngày 15/5, Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã công bố một cuộc điều tra chống lại mục sư Tin Lành Jerome Fernando. Mục sư bị cáo buộc đã đưa ra những tuyên bố xúc phạm Đức Phật trong khi phát biểu trước một nhóm các thành viên của Tin Lành.
Cha Gamini nói trong buổi họp báo: “Giáo hội lên án những tuyên bố gần đây phỉ báng Đức Phật và các thực hành tôn giáo của các tín đồ Phật giáo. Chính phủ có trách nhiệm tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng và tiết lộ sự thật về tất cả các cá nhân và tổ chức bị nghi ngờ xúc phạm các tôn giáo khác, bao gồm cả Phật giáo”. Cha Gamini cảnh báo rằng một số đảng có thể âm mưu giành quyền lực chính trị bằng cách khai thác những sự cố như vậy và kêu gọi mọi người cảnh giác và không để bị lừa. Ngài cũng chỉ ra việc “các chính trị gia nắm quyền có cuộc sống xa hoa với đủ mọi tiện nghi”.
Sri Lanka đã chứng kiến sự chia rẽ tôn giáo ngày càng sâu sắc trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây vào năm 2019, khi ông Gotabaya Rajapaksa lên nắm quyền vài tháng sau vụ đánh bom chết người vào Chúa nhật Phục sinh, được cho là do một nhóm Hồi giáo có quan hệ với Nhà nước Hồi giáo thực hiện. Ông bị phế truất vào năm 2022 dưới áp lực của dư luận sau cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở nước này.
Sri Lanka là một quốc gia đa số theo Phật giáo. Trong số 22 triệu dân, hơn 70% theo tôn giáo này. Cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được tổ chức tại đảo quốc trước tháng 9/2024.
Nguồn: vaticannews