Đức Giám mục Olivier Schmitthaeusler MEP, Đại diện Tông tòa của Phnom Penh kêu gọi các tín hữu hiệp thông với người dân đau khổ và với các nạn nhân của cuộc xung đột tàn khốc ở Trung Đông.
Trong thư gởi đến các tín hữu, Đức cha Olivier viết: “Anh chị em thân mến, Thánh Địa, nơi thiêng liêng của hàng triệu người trên khắp thế giới, hiện đang phải hứng chịu bạo lực và đau khổ. Với tư cách là Giáo hội Công giáo tại Campuchia, chúng ta, các Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và tín hữu Công giáo ở Vương quốc Campuchia, liên đới sâu sắc với người dân trong khu vực đó, những người đang phải chịu những hậu quả tàn khốc của các cuộc xung đột đang diễn ra. Đức tin của chúng ta, đặt nền tảng trên giáo huấn của Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, buộc chúng ta phải ủng hộ việc chấm dứt mọi bạo lực và hoạt động quân sự gây tổn hại cho dân thường của cả Palestine và Israel”.
Đức cha Olivier mời gọi người Công giáo Campuchia cầu xin Thiên Chúa để “các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền tham gia vào cuộc đối thoại chân thành, tìm kiếm các giải pháp lâu dài nhằm thúc đẩy công lý, hòa bình và hòa giải cho người dân Israel và Palestine”. Ngài cũng dâng lời cầu nguyện: “Lạy Cha nhân từ và mạnh mẽ, Cha không phải là Thiên Chúa của hỗn loạn mà là của hòa bình. Xin dập tắt hận thù, bạo lực và chiến tranh ở Thánh Địa để tình yêu, sự hòa hợp và hòa bình có thể nảy nở trở lại”.
Trong những ngày này, Campuchia mừng Lễ hội Pchum Ben, trong đó có việc tưởng nhớ và viếng các nghĩa trang cầu nguyện cho những người đã khuất. Đặc biệt, người dân Campuchia tưởng nhớ 11 năm ngày mất của Quốc vương Norodom Sihanouk (qua đời ngày 15/10/2012), người cha của nền độc lập dân tộc Campuchia. Vì vậy, vị Đại diện Tông tòa lưu ý, “chúng tôi mời gọi các cộng đồng, giáo xứ, hiệp hội cầu nguyện cho linh hồn của những người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này, cũng như cho các công dân Campuchia-Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hôm 7/10. Xin Chúa ban cho tất cả được hưởng hoà bình và hạnh phúc vĩnh cửu”.
Giáo hội Công giáo ở Campuchia có khoảng 20.000 tín hữu, chiếm 0.13% tổng dân số khoảng 16 triệu dân.
Nguồn: vaticannews