CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN
GIÁNG SINH & VĂN HÓA SỰ SỐNG
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
– Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) được tổ chức tại Dubai từ 30/11 đến 12/12/2023. Đức giáo hoàng Phanxicô dự định tham dự hội nghị nhưng vào phút chót, ngài không thể có mặt vì lý do sức khỏe. Đức hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã có mặt và đọc diễn văn Đức giáo hoàng gửi đến hội nghị. Ngay câu mở đầu, ngài viết: “Kính thưa quý vị, điều đáng buồn là tôi không thể hiện diện với quý vị, dù tôi rất muốn. Dù vậy, tôi vẫn có mặt với quý vị… Tôi có mặt với quý vị vì biến đổi khí hậu là vấn đề xã hội toàn cầu và liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống con người. Tôi có mặt với quý vị để nêu lên câu hỏi mà chúng ta cần trả lời ngay: Chúng ta đang làm việc cho nền văn hóa sự sống hay văn hóa sự chết?” Một câu hỏi quyết liệt!
Cụm từ “văn hóa sự sống – văn hóa sự chết” là “đặc sản” của Thánh Gioan Phaolô II, đề cao việc tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ khi thành thai đến khi lìa đời. Đức giáo hoàng Phanxicô vận dụng cụm từ này, đồng thời mở rộng tầm nhìn về văn hóa sự sống, không chỉ liên quan đến phá thai hay cái chết êm dịu nhưng còn liên quan đến vấn đề môi sinh và chiến tranh, là những vấn đề lớn và gai góc trên thế giới hiện nay.
Về môi sinh, phục vụ văn hóa sự sống là phải cùng nhau gìn giữ ngôi nhà chung của nhân loại, không những cho những người đang sống mà còn cho cả thế hệ tương lai. Ngày nay ai cũng nói đến biến đổi khí hậu và những hậu quả tiêu cực nó gây ra cho đời sống con người, nhất là người nghèo. Biến đổi khí hậu hiện nay bắt nguồn từ việc trái đất nóng lên, chủ yếu do sự gia tăng khí nhà kính trong không khí do những hoạt động của con người. Làm thế nào để ngăn cản tình trạng này? Đây là câu hỏi lớn mà tất cả các quốc gia cần chung tay giải quyết. Có khuynh hướng đổ tội cho người nghèo và việc sinh sản quá nhiều đã gây tác động xấu lên môi trường sống của thế giới. Trong thực tế, 50% dân số thế giới sống trong cảnh nghèo và họ chỉ tạo ra 10% khí thải độc hại, vì thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Sinh sản không phải là vấn đề nhưng là nguồn lực, sinh sản không chống sự sống nhưng phò sự sống”.
Một thực tế khác cần quan tâm là chiến tranh. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina kéo dài đã hơn một năm mà vẫn chưa ngã ngũ, nay lại thêm cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Đức giáo hoàng nêu câu hỏi: “Bao nhiêu năng lượng dồn cho các cuộc chiến tranh, không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho trầm trọng hơn. Chúng ta đã tiêu phí bao nhiêu nguồn lực cho những vũ khí hủy diệt sự sống và tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta?”
Giáng Sinh là ngày lễ tôn vinh sự sống: sự sống của một thai nhi được cha mẹ đưa từ Nazaret về Bêlem để khai tên tuổi theo lệnh của hoàng đế Augustô; sự sống của hài nhi Giêsu được đặt nằm trong máng ăn của súc vật; sự sống của một gia đình di dân phải chạy trốn sang Ai Cập vì bị nhà vua truy sát!
Khi Thiên Chúa làm người, mang lấy thân xác con người như chúng ta, điều đó có nghĩa là sự sống con người – dù được sinh ra trong cảnh giàu sang hay nghèo hèn, lớn lên trong nhung lụa hay gian khó - sự sống ấy vẫn mang chiều kích thần linh, vì thế phải hết sức trân trọng.
Đồng thời, lễ Giáng Sinh cũng chất vấn chúng ta về văn hóa sự chết đang hoành hành dưới nhiều hình thức: phá thai tràn lan, vứt bỏ và ngược đãi trẻ thơ, chiến tranh và tàn phá mô sinh; ẩn bên trong những hành động ấy là sự ích kỷ như ông chủ quán trọ ở Bêlem, tham vọng quyền lực như vua Hêrôđê…
Sứ điệp Giáng Sinh là: Hãy trở thành những người xây dựng văn hóa sự sống và văn minh tình thương.
Nguồn: giaophanmytho.net