Thánh Gio-an tác giả Tin Mừng đã “gây sốc” cho cả thế giới, khi ông khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đây là một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể suy thấu. Làm sao mà Con Thiên Chúa, vốn linh thiêng cao cả, lại làm người như chúng ta. Đây đã từng là đề tài tranh cãi căng thẳng giữa các nhà thần học của bốn thế kỷ đầu. Người ta tìm cách dung hòa và đưa ra nhiều giả thuyết, và cuối cùng, Giáo hội đã tuyên tín: Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật.
Trong niềm tin Do Thái giáo và Hồi giáo, Thiên Chúa là Đấng vô hình bất biến. Ngài là Đấng cao cả vô biên. Dù yêu thương con người, Thiên Chúa vẫn cách xa họ vì con người tội lỗi phàm hèn. Trong khi đó, đức tin Ki-tô giáo lại tuyên xưng: Ngôi Lời, tức là Con Thiên Chúa, đã mang lấy xác thịt và làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ki-tô giáo như một nhành cây vươn ra từ cây cổ thụ là Do Thái giáo. Ki-tô giáo không phủ nhận truyền thống Do Thái, nhưng tin rằng Thiên Chúa đã thực hiện một trang sử mới khi sai Con của Ngài xuống thế làm người, và những gì đã xảy ra trong Cựu ước là sự chuẩn bị cho Tân ước. Nói cách khác, Đức Giê-su đã đến trần gian để những gì đã được loan báo trong Cựu ước được trở thành hiện thực. Điều này đã được tiên báo, một cách cụ thể là trong ngôn sứ Isaia, với lời tuyên bố với vua Achaz: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Đavít: làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta” (Is 7,12-14). Danh xưng Emmanuel được sứ thần nhắc lại với ông Giu-se trong cuộc truyền tin qua thị kiến, để mời gọi ông cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25).
Đọc Tin Mừng thánh Mát-thêu, chúng ta thấy tác giả đóng khung tác phẩm của ông bằng ý tưởng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Câu kết của Tin Mừng ở chương 28 chính là lời khẳng định điều tác giả đã nói ở phần mở đầu trong chương 1. Chính Chúa Giê-su khẳng định với các môn đệ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Qua lời tuyên bố này, cũng như qua nội dung giáo huấn, Chúa Giê-su đã khẳng định, Người là Đấng Emmanuel. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Đấng xa cách ngàn trùng đã trở nên gần gũi con người đến nỗi mang thân phận con người như chúng ta. Mầu nhiệm Nhập thể là mầu nhiệm của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, do Thiên Chúa chủ động và hoàn toàn xuất phát từ lòng nhân hậu của Ngài.
Trở lại với Bài Tin Mừng của Thánh lễ ban ngày. Thánh Gio-an nhắc đi nhắc lại ý tưởng: Ngôi Lời đã làm người. Người là Ánh sáng hiện hữu từ muôn thuở, nay tỏ hiện cho chúng ta. Người đến từ Chúa Cha, và có sứ mạng giới thiệu về Chúa Cha cho con người được tường. Sứ mạng của Người là một sứ mạng gian nan, được diễn tả qua cuộc xung đột giữa ánh sáng và bóng tối. Xin lưu ý, hình ảnh ánh sáng xung đột với bóng tối giúp chúng ta liên tưởng tới hành vi sáng tạo của Thiên Chúa ở buổi đầu lịch sử. Trước đó vũ trụ âm u hỗn độn. Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng và liền có ánh sáng. Ngài tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Cùng với việc nhắc lại câu mở đầu của sách Sáng thế “Từ khởi đầu” ở chương 1 câu 1, tác giả Gio-an cũng muốn nhấn mạnh, với việc Đức Giê-su giáng sinh, Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới. Giống như hành động tách rời ánh sáng khỏi bóng tối của thuở ban đầu, Con Thiên Chúa đến để chiếu soi trần gian, xua tan bóng tối tội lỗi, giúp nhân loại biết con đường về với Chúa Cha.
Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri, trong Bài đọc II, cũng nhằm minh chứng cho các độc giả nguồn gốc và thân phận của Đức Giê-su. Người vượt xa các thiên thần. Việc Đức Giê-su sinh hạ, được diễn tả như thời sau hết của lịch sử cứu độ. Điều đó có nghĩa, trần gian không còn phải đợi Đấng Mê-si-a nữa, vì Người đến rồi. Người đã đến trần gian, và sau khi chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó, Người đã về trời hưởng vinh quang vĩnh cửu. Nơi Đức Giê-su, mặc khải yêu thương của Thiên Chúa vẫn tiếp tục. Người Ki-tô hữu đã có một mẫu gương cụ thể là chính Con Thiên Chúa, để nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha.
Con Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta và trong tâm hồn mỗi người. Lễ Giáng sinh nhắc cho chúng ta chân lý này. Đây là nền tảng đức tin Ki-tô giáo. Đây cũng là cơ sở để chúng ta đặt để niềm xác tín vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đức Giê-su đã nên người bạn, người tâm phúc của mỗi người chúng ta. Qua nội dung Tin Mừng, Người đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nhân loại, với sự cảm thông sâu xa và tình mến dạt dào.
+Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi