Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc di sản lịch sử và nghệ thuật của Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican. Ngài lưu ý rằng mong muốn gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa nhân loại có nguồn gốc từ các quốc gia cổ xưa trên bán đảo Ý, đặc biệt ở Vatican. Thực tế, ngay từ thế kỷ 15, các Giáo hoàng đã ban hành các sắc lệnh nhằm ngăn chặn dòng chảy cổ vật từ các cuộc khai quật khảo cổ ở Roma đến các bộ sưu tập tư nhân của các quý tộc, học giả và các vị vua trên khắp châu Âu.
Đức Thánh Cha đề cập đến một số Giáo hoàng ở thế kỷ 17 và 18 đã ban hành các sắc lệnh như một phản ứng đối với việc bán một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật và để sửa chữa sự huỷ hoại đau thương trong thời Napoléon. Những sắc lệnh này đã giúp phát triển các nguyên tắc pháp lý được các nghị viện hiện nay thông qua. Hiện nay, các quốc gia đã đảm nhận quyền quản lý và lập danh mục các tác phẩm nghệ thuật và di sản kiến trúc để bảo vệ chúng và để mọi người được thụ hưởng.
Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc lại rằng vào năm 2001 Tòa Thánh đã thông qua luật bảo vệ tài sản văn hóa của Toà Thánh. Ngài cho biết quy định này sẽ sớm được cập nhật để phù hợp hiệu quả với các điều kiện lịch sử và xã hội đã thay đổi, cũng như sự phát triển của cả luật quốc gia và của các tổ chức quốc tế.
Trích lời Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha cho biết Giáo hội “luôn ủng hộ và thúc đẩy thế giới nghệ thuật, coi ngôn ngữ của nghệ thuật là phương tiện đặc quyền cho sự tiến bộ của con người và tinh thần”.
Ngài nói thêm, nghệ thuật là một biểu hiện hữu hình của đời sống Giáo hội trong hoạt động phụng vụ và trong việc loan báo đức tin, trong các biểu hiện thiêng liêng, và trong việc thực thi bác ái.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn các thành viên của Ủy ban Thường trực về Bảo vệ Di tích và Bảo vệ Di sản Kiến trúc của Tòa Thánh vì công việc của họ, và chúc họ tiếp tục thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật một cách có trách nhiệm và chuyên nghiệp, phản ánh sự hiệp thông hài hòa giữa con người và Thiên Chúa.
Nguồn: vaticannews