Kỷ niệm hai năm cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Iraq, trong hai ngày 8 và 9/3, Cộng đoàn thánh Egidio ở Roma và Học viện Al-Khoei của Hồi giáo Shiite tổ chức Hội nghị quốc tế “Các tín hữu Công giáo và tín đồ Hồi giáo Shiite trước tương lai. Hai năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Iraq”. Đến với Hội nghị này, Đức Hồng Y Miguel Angel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn mang thư của Đức Thánh Cha gửi cho Đại Ayatollah Ali Al-Sistani.
Trong bức thư, được Phòng Báo chí Tòa thánh công bố hôm thứ Ba, 14/3, Đức Thánh Cha gọi vị lãnh đạo Hồi giáo là “người anh em quý mến” và nhắc lại cuộc gặp gỡ cách đây hai năm ở Najaf, giữa ngài với lãnh đạo Hồi giáo, mô tả đó là “một cột mốc quan trọng trên con đường đối thoại liên tôn và hiểu biết giữa các dân tộc”.
Ngài khen ngợi Đại Ayatollah vì “những dấn thân của lãnh đạo Hồi giáo đối với những người bị bách hại, bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống và tầm quan trọng của tình đoàn kết giữa người dân Iraq”.
Đức Thánh Cha viết: “Sự cộng tác và tình bạn giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau là điều không thể thiếu, nhằm vun đắp không chỉ lòng tôn trọng nhau nhưng trên hết là sự hòa hợp góp phần mang lại lợi ích cho nhân loại, như lịch sử gần đây của Iraq đã dạy chúng ta”.
Ngài bày tỏ niềm tin rằng các cộng đoàn dựa trên đức tin phải là “một nơi đặc biệt để hiệp thông và là biểu tượng của sự chung sống hòa bình, trong đó chúng ta cầu khẩn Đấng Tạo Hóa của tất cả, vì một tương lai hiệp nhất trên mặt đất”.
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Cả hai chúng ta tin chắc rằng tôn trọng phẩm giá và quyền của mọi người và mọi cộng đồng, đặc biệt tự do tôn giáo, tư tưởng và biểu đạt, là nguồn của sự thanh thản cá nhân, xã hội và sự hoà hợp giữa các dân tộc”.
Do đó, theo Đức Thánh Cha nhiệm vụ của các lãnh đạo tôn giáo là khuyến khích những người có trách nhiệm trong xã hội dân sự làm việc để khẳng định một nền văn hóa dựa trên công lý và hòa bình, thúc đẩy các hành động chính trị bảo vệ các quyền cơ bản của mỗi người. Điều cần thiết là gia đình nhân loại tái khám phá cảm thức huynh đệ và chấp nhận lẫn nhau, như một đáp ứng cụ thể đối với những thách đố ngày nay.
Đức Thánh Cha kết luận bằng việc bày tỏ hy vọng, các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, cùng nhau, có thể luôn là “nhân chứng của sự thật, tình yêu và hy vọng, trong một thế giới đầy vết sẹo bởi vô số xung đột và do đó cần đến lòng trắc ẩn và sự chữa lành”.
Ngọc Yến - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi