ĐTC và tổng thống Mỹ gửi sứ điệp đến lễ trao Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại

Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại

Hiện diện tại lễ trao giải, ngày 04/02/2023, có Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, đồng Chủ tịch của Ủy ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, và đại diện cho Đức Hồng Y Tagle, thành viên giám khảo của Giải thưởng Zayed.

Giải thưởng được thành lập vào năm 2019, lấy cảm hứng từ việc ký kết Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Iman Ahmad Al-Tayyeb của Đền thờ Hồi giáo Al Azhar ngày 04/02/2019. Tiến trình trao giải được tổ chức bởi Ủy ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, một ủy ban quốc tế độc lập được thành lập để đáp ứng nguyện vọng của Văn kiện này.

Được đặt theo tên của người sáng lập Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, giải thưởng nhằm mục đích ghi nhận và tôn vinh những cá nhân hoặc tổ chức có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hài hòa và nhân ái hơn dựa trên giá trị của tình huynh đệ nhân loại.

Với mục đích này, Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ Nhân loại năm nay (2023) được Ủy ban cấp cao của Tình huynh đệ nhân loại trao cho Cộng đoàn Thánh Egidio và nhà kiến tạo hoà bình người Kenya “Mama Shamsa”.

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp video gửi đến sự kiện này, Đức Thánh Cha nói: “Các tôn giáo không có sức mạnh chính trị để áp đặt hòa bình, nhưng bằng cách biến đổi con người từ bên trong, mời gọi con người tách mình ra khỏi sự dữ, các tôn giáo hướng con người đến thái độ hòa bình. Do đó, các tôn giáo có trách nhiệm quyết định đối với sự chung sống của các dân tộc”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cần thiết là các tôn giáo hiểu biết, đối thoại với nhau và phát triển trong sự hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người. Các tôn giáo có thể cùng nhau đóng góp rất nhiều cho tình huynh đệ. Ngài nói: “Nếu chúng ta có thể chỉ ra rằng có thể sống sự khác biệt trong tình huynh đệ, chúng ta sẽ có thể dần dần giải thoát mình khỏi sợ hãi và ngờ vực đối với người khác. Vun trồng sự đa dạng và hòa hợp những khác biệt không phải là một tiến trình đơn giản, nhưng đó là cách duy nhất có khả năng bảo đảm hòa bình vững chắc và lâu dài, đó là một sự dấn thân đòi hỏi chúng ta củng cố khả năng đối thoại với người khác”.

Đức Thánh Cha nói, mọi cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo, thường xảy ra trong một thế giới mà mọi thứ ngày càng gắn bó với nhau, có thể là một cơ hội chống đối nhau, hoặc với sự trợ giúp của Chúa, khuyến khích lẫn nhau “tiến tới như anh chị em”. Thực vậy, hành trình của tình huynh đệ là một hành trình dài và khó khăn. Tình huynh đệ khuyến khích chúng ta chào đón người khác và tôn trọng căn tính của họ, truyền cảm hứng cho chúng ta làm việc với niềm tin rằng có thể chung sống hài hòa và hòa bình.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn Cộng đoàn Thánh Egidio và nhà kiến tạo hoà bình người Kenya “Mama Shamsa” về hoạt động và chứng tá. Ngài cũng cám ơn  tất cả những ai sẽ tham gia vào con đường huynh đệ, và khuyến khích mọi người dấn thân vì hòa bình và đáp ứng những vấn đề và nhu cầu cụ thể của những người bé nhỏ nhất, người nghèo, người không có khả năng tự vệ, những người cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Sứ điệp của Tổng thống Mỹ

Một sứ điệp khác được gửi đến buổi trao giải thưởng đến từ ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ. Ủng hộ những lời của Đức Thánh Cha về tôn giáo, ông Biden lưu ý “đức tin và lịch sử dạy chúng ta rằng cho dù đêm có tối như thế nào chăng nữa, niềm vui vẫn đến vào buổi bình minh”. Tuy nhiên ông nói thêm: “Cần phải làm việc, bởi vì, việc theo đuổi hòa bình, công lý và phẩm giá con người cần thời gian. Với mọi thế hệ, chúng ta được kêu gọi chống lại ngọn lửa hận thù đã được cung cấp quá nhiều oxy trong thời gian quá lâu. Chúng ta phải gieo mầm huynh đệ cho các dân tộc, tôn giáo, và các tín đồ”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ Nhân loại, Tổng thống Mỹ nhắc các tham dự viên của buổi lễ rằng “ngày này mang đến cho chúng ta cơ hội để coi nhau là bình đẳng, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa”.

Ông kết luận: “Hôm nay, Mỹ tham gia vì mục tiêu chung với tất cả những người tìm kiếm hòa bình và bình đẳng, luôn dấn thân xây dựng một quốc gia và một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai”.

Nguồn: Ngọc Yến - Vatican News

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê