Ngày 28 tháng 4 năm 2023 vừa qua, tôi nhận được tập báo Nội san Nhà Chung số 3. Trong đó có bài Đối diện với mê tín. Bài đó là một vài nhận định cá nhân từ một thực tế về tính mê tín của người Mường tại Lạc Sơn. Ngày tôi nhận được số báo mới in cũng là ngày tôi nhận được tin tức về một vụ mê tín nữa tại xóm Ấm (xóm Ấm có một cộng đoàn đang phát triển tốt, có thể gọi là giáo họ, cũng có thể gọi là giáo điểm. Cộng đoàn này thuộc xứ Mường Đổn – trước đây được gọi là xứ Văn Lãng).
Đó là một vụ đào mộ mới chôn để yểm bùa. Số là có anh kia, còn khá trẻ, tên là T. bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình và vợ con, mời thầy về làm thuốc, nhưng không qua khỏi. Khi qua đời, gia đình có mời thầy về làm ma (tức là nghi thức đuổi ma để khỏi về bắt tiếp người còn sống). Đồng thời sau đó xin cha về làm lễ an táng. Ngày giỗ đầu, thể theo nguyện vọng tha thiết của chị vợ, tôi dâng lễ giỗ cầu nguyện cho anh, với hy vọng Chúa sẽ xuống thêm ơn đức tin cho người còn sống và thương xót người quá cố. Tưởng mọi sự đã êm đẹp, nhưng mọi thứ lại không như mình mong. Ma quỷ luôn tìm đủ cách để tách người ta ra khỏi Lòng Thương Xót của Chúa.
Chuyện là sau ngày giỗ đầu một thời gian, người anh em thúc bá với anh T. lại phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, lần này họ cũng mời thầy về làm thuốc, mà còn làm to là đằng khác. Nhưng anh này cũng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Cả dòng họ sợ hãi. Họ dễ dàng cho rằng, nguyên nhân là con ma từ anh T. kia đã về bắt anh này. Các thầy bảo nếu không làm, mỗi năm ma sẽ bắt một người trong họ. Thế là cả họ nghe theo lời thầy. Thầy cúng tổ chức cho đào mả anh T., mở quan tài (mới chôn hơn một năm), để cho bùa cùng một số thứ bí hiểm vào nhằm làm tan xác để con ma biến đi. Trong vụ này, chị vợ anh T. đóng vai trò chủ động, mặc dù chị là người đang theo Đạo. Xin lưu ý là nghi thức đào mả này rất quen thuộc với người Mường. Họ thường làm như vậy. Không hề nghi ngờ hay sợ hãi, cũng không sợ thối tha hay tốn kém. Họ chỉ sợ chết!
Còn có điều này, đó là tính cộng đồng của người Mường tương đối cao. Cho nên, mỗi lần làm thuốc hay làm ma, những người có liên hệ phải đóng tiền và hiện diện ở đó. Điều này gây ra những tình huống khó xử đối với những người đạo đức. Nếu không tham gia vì sợ tội thì bị dòng họ khinh ghét. Mà nếu tham gia thì lại đi ngược lại với đức tin! Đây là một trở ngại không nhỏ.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là tính mê tín đã ăn vào máu thịt của người Mường nơi đây. Nhiều người đã theo Chúa lâu nhưng vẫn mê tín. Vào xóm gặp gỡ và nói chuyện với mọi người tôi cảm nhận thấy tính mê tín rất đậm đặc. Lúc nào cũng chuyện ma mãnh, huyền ảo… như đang ở thế giới khác vậy.
Biểu hiện phổ biến nhất về tính mê tín là cái dây đeo tay. Đôi khi dây đeo ở cổ. Đó là một loại dây như dây gai, khá dai và bền, thường có màu đỏ hoặc màu trắng. Và có một bọc rất nhỏ gắn lên đó. Trong lõi là một miếng gừng hoặc giềng gì đó, rất bé. Chiếc dây này họ mua của các ông thầy. Mỗi chiếc tùy loại từ 100 ngàn đến 150 ngàn. Nhiều bậc ông bà hoặc bố mẹ, có dịp đi thầy, mua thêm về như những món quà quý bắt con cháu phải đeo, kể cả có Đạo. Đi lễ nhiều em vẫn đeo. Có lần kia dâng lễ trên Mường Riệc, tôi phát hiện có bốn em giúp lễ đeo cái dây bùa đó. Có những người sợ cha phát hiện nên không để lộ, mà đeo tận trên cánh tay, có tay áo phủ kín.
Một lần kia, chị trưởng hội Mân Côi, ở một Đồi, nói rất chân thành: Thưa cha, các con của chúng con đêm hay khóc, các cháu đeo cái này sẽ đỡ khóc. Vì thế, phải từ từ chúng con mới bỏ được chứ bỏ ngay thì khó quá ạ! Họ thật mê tín nhưng cũng thật đáng thương.
Đúng là phải từ từ thật. Có hàng ngàn lẻ một câu chuyện về mê tín, lần trước tôi đã kể, lần này cố tình kể thêm, để chúng ta khỏi coi thường, đó là vấn đề lớn trong sứ vụ truyền giáo, chúng ta cần phải vượt qua.
Hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài giải pháp khi đối diện với hoạt động mê tín này. Đây không phải là lý thuyết cũng không phải là chuẩn mực, mà là những bước dò dẫm ban đầu. Những nỗ lực cụ thể ở một nơi cụ thể. Nói đơn giản là những kinh nghiệm thực tế.
– Trước hết, kiên nhẫn và cố gắng dạy giáo lý và giảng Lời Chúa cho họ. Một cách đơn giản hết sức, cho họ thấy tất cả những thứ họ tìm kiếm khi đến với các thầy, như là: được khỏi bệnh, khỏi quỷ ám, tìm thấy của, khỏi chết… Chúa đã chuẩn bị và sẵn sàng ban cho những kẻ làm con Chúa gấp bội, đến mức không thể so sánh. Và cho họ thấy đó là điều đáng tin. Ngược lại, chứng minh cách thuyết phục cho họ thấy các thầy là những người không đáng tin. Họ thực sự là những người đi kiếm ăn. Làm thầy như một cái nghề. Kiên nhẫn giải thích cho người dân hiểu được những điều phi lý trong lý luận, ngớ ngẩn trong phương pháp và tư cách đáng ngờ của các ông thầy. Nói phải củ cải phải nghe và mưa dầm thấm lâu. Chúng tôi đã thấy có những chuyển biến tích cực.
– Nhưng chỉ nói suông thì không đáng tin. Họ rất thực tế. Vì vậy chúng ta cần đến ơn Chúa. Đây bí quyết số một. Cầu xin Chúa biến đổi lòng họ. Cầu xin Chúa nhờ hiệu năng của các bí tích, và các á bí tích (nhất là nghi thức làm phép nhà, nghi thức an táng, làm phép xe…) cứu chữa họ, hoặc cho họ thấy những điều kỳ diệu nhãn tiền. Cùng với đó là dạy họ cầu nguyện, xin ơn và xin khấn, nhất là chạy đến với Lòng Chúa Thương Xót, với Đức Mẹ, với các thánh, chẳng hạn thánh Giu-se, thánh An-tôn. Tóm lại là phát triển tốt mục vụ bí tích và lòng đạo đức bình dân. Khi thấy phép lạ, khi xin được ơn, họ sẽ tin Chúa hơn và bớt mê tín.
– Để phát triển lòng đạo đức bình dân, ngoài những việc ở nhà thờ, chúng tôi đã có kế hoạch kêu gọi các gia đình làm bàn thờ. Rất nhiều tượng chịu nạn, tượng Đức Mẹ và thánh Giu-se đã được phân phát đến các gia đình. Cùng với phát tượng là tràng hạt một chục loại dây đeo ở cổ tay và thánh giá đeo trên mình. Đây là giải pháp rất tốt để loại bỏ dây bùa đỏ đỏ. Không Chúa nhật nào mà không có người đến xin vòng tràng hạt và thánh giá cùng dây chuyền. Hy vọng, Chúa và Đức Mẹ sẽ làm những phép lạ, âm thầm nhưng mạnh mẽ, để giữ họ trở về bên Chúa.
– Cuối cùng là chứng nhân. Các cha, các thầy, các nữ tu được sai đến với họ, cần có một đức tin và một đời sống thể hiện niềm tin của mình. Qua những việc làm của mình, làm sao để họ nhận thấy Chúa là Đấng yêu thương, gần gũi, tốt lành và quyền năng. Để được như thế, cần phải phục vụ cách vô vị lợi. Cần quảng đại giúp đỡ họ về vật chất và cả tinh thần. Đồng hành và đồng cảm với họ. Cố gắng giúp họ trong những lúc khốn cùng. Tuy nhiên phải hết sức hạn chế sử dụng tiền bạc một cách tùy tiện như một giải pháp thần kỳ. Chỉ có Chúa, ơn Chúa và Lời Chúa mới có thể làm cho những tâm hồn mê muội nên những mảnh đất tốt cho hạt giống đức tin.
Đây không phải là một bài giảng, cũng chẳng phải là những kiến thức chuẩn và toàn diện, nhưng là những chia sẻ từ một cảm nghiệm cá nhân cũng như từ một nỗ lực trong thực tế khi đối diện với mê tín, viết ra đây vừa như một chia sẻ để tham khảo, nhưng cũng như một trình bày để được góp ý. Hy vọng với nỗ lực chung của cả Tổng Giáo phận, mảnh đất đã từng là mảnh đất tốt này, đức tin sẽ hồi sinh…
Nguồn: Lm. Phao-lô Nguyễn Hữu Hiệp
Trích “Nội san Nhà Chung”, số 5 (tháng 6 năm 2023)