Tác phẩm: Đường về Emmaus – Học Thánh Kinh trong 100 tuần
Tác giả: ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM
Kính thưa quý độc giả,
Đường về Emmaus được gợi hứng từ hành trình của hai môn đệ từ Giêrusalem về Emmaus, một hành trình trĩu nặng ưu tư, phiền muộn và thất vọng, nhưng đã trở thành hành trình chan chứa mừng vui và hy vọng vì có Chúa Kitô Phục sinh đồng hành và giải thích Thánh Kinh cho hai ông (x. Lc 24,13-34).
Đường về Emmaus cũng là hành trình học hỏi Thánh Kinh của các học viên tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận TP. HCM. Học liên tục suốt 100 tuần và hơn thế nữa. Học từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền. Học bằng cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, chia sẻ nhóm, và giúp nhau sống. Yếu tố quan trọng nhất khi học Thánh Kinh 100 tuần là mỗi người phải trực tiếp đọc bản văn, cầu nguyện, suy niệm rồi chia sẻ cho nhau trong nhóm. Tuy nhiên, vì học Thánh Kinh 100 tuần là học trong Giáo hội và với Giáo hội, nên đã có một tài liệu hướng dẫn do cha Marcel le Dorze soạn thảo, và đã được dịch sang tiếng Việt..
Tập sách này ghi lại vắn tắt những chia sẻ của vị đồng hành khi đó. Đây không phải là những bài chú giải chuyên môn nhưng chỉ là những gợi ý về một số điểm quan trọng trong từng tác phẩm. Những bài chia sẻ này đã được phân phát theo từng tuần với từng chủ đề, nay được gom góp lại thành sách theo yêu cầu của các học viên, vừa để đánh dấu một hành trình, vừa để các học viên tiếp tục học hỏi và có thể đồng hành với người khác. Vào năm 2008, những bài chia sẻ về Cựu Ước đã được in thành sách, nay chúng tôi vui mừng giới thiệu toàn bộ những bài chia sẻ cả về Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Quyển Đường về Emmaus đã được xuất bản cách đây 9 năm và được người đọc thịnh tình đón nhận. Đáp lại tấm thịnh tình của người đọc, trong lần tái bản này, tác giả đã đọc lại, chỉnh sửa và bổ sung những điều cần thiết để quyển sách được tốt hơn.
Nội dung (Sách Sáng Thế)
Đây là cuốn sách đầu tiên trong Ngũ Thư và trong toàn bộ Thánh Kinh. Trong tiếng Hipri, sách này mang tên là Khởi Nguyên. Sách Sáng Thế là câu truyện về tiền sử của Israel. Israel chỉ trở thành một dân tộc thực sự khi họ cư ngụ trên đất Canaan. Dân tộc này là dân ký kết giao ước với Đấng Thiên Chúa đã đem họ ra khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất Hứa. Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập được coi như ngày khai sinh của dân tộc.
Tuy nhiên, khi suy gẫm về những hành động của Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc, họ khám phá ra rằng ngay cả trước thời xuất hành, Thiên Chúa đã hoạt động để hướng dẫn họ đến thời điểm hiện tại. Vì thế, cuộc xuất hành được coi như cao điểm của một tiến trình dài, bắt đầu từ khi Thiên Chúa kêu gọi Abraham và hứa làm cho ông trở thành cha của một dân tộc lớn. Cuối cùng, Israel còn nhìn lịch sử dân tộc họ trong bối cảnh lịch sử thế giới, cho nên sách Sáng Thế còn trình bày cả câu truyện về khởi nguyên của vũ trụ và thế giới.
Cũng vì thế, sách Sáng Thế có hai phần chính:
Chương 1–11: Bàn về những vấn đề vượt trên thời gian và lịch sử: tạo dựng thế giới và con người, tội lỗi đột nhập trần gian, sự ác tràn ngập...
Chương 12–50: Trình bày lịch sử các tổ phụ dân Israrel. Sách Sáng Thế được biên soạn như một chuyện kể với thể văn chủ yếu là saga. Saga là những câu truyện dựa trên những sự kiện, nhưng khi câu truyện được truyền khẩu thì lại được thêm vào những yếu tố khác, nhất là sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa vào đời sống con người.
Trong những câu truyện về các tổ phụ, người ta nhấn mạnh đến gia đình và gia tộc hơn là cá nhân. Giacóp không còn là Giacóp nhưng là Israel. Esau là cha của dân Eđômít. Lịch sử về các bộ tộc trở thành lịch sử về những anh em này. Các tổ phụ sống rất lâu vì số tuổi thọ không có ý nói đến tuổi thọ cá nhân cho bằng của các bộ tộc. Một yếu tố khác là sự có mặt của thần thoại trong sách Sáng Thế. Nếu hiểu thần thoại là những câu truyện về các thần linh thì phải nói là không có thần thoại trong sách Sáng Thế, vì Israel chỉ nhìn nhận một Thiên Chúa duy nhất.
Nhưng nếu hiểu thần thoại là cách suy tư về thực tại, được diễn tả bằng ngôn ngữ biểu tượng, thì sách Sáng Thế có yếu tố thần thoại. Thần thoại là yếu tố quen thuộc trong văn hóa của các dân lân bang với Israel lúc đó. Cho nên Israel có thể sử dụng những thần thoại quen thuộc ở vùng Cận Đông; tuy nhiên họ thay đổi và thích ứng những thần thoại đó cho phù hợp với quan niệm đặc thù của họ về Thiên Chúa và về thế giới. Chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ trong 11 chương đầu sách Sáng Thế. Cần vượt lên trên những hình ảnh cụ thể để nắm bắt nội dung tác giả muốn chuyển tải. Nếu không nắm vững điều này, người Kitô hữu có thể cảm thấy hoang mang khi đọc Thánh Kinh và đối chiếu với những khám phá khoa học hiện đại.
Con người
Con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (1,26). Đây là định nghĩa tuyệt vời và súc tích nhất về con người. Giải thích thần học thường nhấn mạnh rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên có linh hồn. Tuy nhiên, cách nhìn của Thánh Kinh không mang tính phân biệt xác hồn. Đúng hơn, “hình ảnh” ở đây nói lên chức năng của con người là đại diện của Thiên Chúa trên trái đất. Cũng như Thiên Chúa là Đấng cai quản bầu trời, thì con người là đại diện của Người được trao trách nhiệm cai quản trái đất (x. 1,26).
Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa nên những gì nói về Thiên Chúa đều có liên hệ đến con người, ví dụ: mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đồng thời con người có thể nói về Thiên Chúa khởi đi từ kinh nghiệm nhân loại của mình, dĩ nhiên là rất giới hạn. Từ ngữ chuyên môn gọi là loại suy. Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha; do đó Ngài chính là khuôn mẫu cho ta để sống trọn nhân tính của mình.
Con người có nam có nữ (x. 1,28; 2,18-24), bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Đây là một tầm nhìn rất mới trong bối cảnh thời đại xa xưa. Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng có nam, có nữ, nên những tình trạng như sự bất bình đẳng nam nữ, hoặc chủ trương xóa tan sự độc đáo của mỗi giới, đều không phù hợp ý muốn của Đấng Tạo hóa.
Chiều kích xã hội của con người cũng được thể hiện ngay từ đầu, với căn bản là gia đình: “Con người ở mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (2,18); “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (2,24). Nền tảng gia đình được thiết lập. Chính Thiên Chúa liên kết hai người nam nữ nên một để họ bổ túc cho nhau và sinh sản con cái.
Mục lục
Các bài học được sắp xếp theo thứ tự từng cuốn sách trong bộ Thánh Kinh, và theo thứ tự các chương trong mỗi cuốn. Trong phần Cựu Ước, các tác phẩm được sắp xếp theo hai lãnh vực chính: (1) Các sách lịch sử, và (2) Các sách tiên tri, giáo huấn. Về phần Tân Ước, các tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự thời gian trước tác. Trong mỗi bài, có những điểm chung: (1) Chắt lọc những điểm chính trong bản văn; (2) Song song với những điểm chính là những trích đoạn Thánh Kinh; (3) Tóm tắt giáo huấn chính của mỗi cuốn sách.
Tác phẩm “Đường về Emmaus” dày 654 trang, dựa trên kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus. Họ cứ tưởng là mình đã biết hết mọi sự về Đức Giêsu Nadarét nhưng thật ra họ chẳng hiểu gì cả, vì họ không thấy được ý nghĩa nào trong cái chết của Người. Cần phải có chính Chúa giải thích cho họ hiểu ‘khởi đi từ Môsê và các tiên tri...’. Chúng ta lại chẳng giống như thế sao? Thế nên hãy lắng nghe tất cả những gì liên quan đến Chúa Giêsu trong Thánh Kinh, qua đó Người dạy cho ta hiểu biết về Người. Rồi dần dần ta sẽ cảm nhận niềm vui lớn lao khi cặp mắt tâm hồn ta được mở ra, và nhận biết Đấng đang bước đi bên ta trên mọi nẻo đường đời, cũng như Người đã đồng hành với dân Israel, dân được Người tuyển chọn. Bởi lẽ cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã được Chúa Giêsu - Thiên Chúa thật và người thật - tuyển chọn.
Văn Cương, SJ - Vatican News