Mở đầu bài tham luận, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói về vị trí quan trọng của Balkan. Một khu vực đôi khi được xem là “thùng thuốc súng của châu Âu”. Nhưng tại đây người ta cũng chứng kiến sự chung sống hoà bình giữa các sắc tộc, văn hoá và tôn giáo khác nhau trong nhiều thế kỷ. Từ điểm này, Đức Hồng Y trích lời Chúa “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9) để mời gọi mọi người dấn thân vào vương quốc hoà bình rộng lớn.
Đức Hồng Y nhắc lại những hoạt động của Toà Thánh trong các cuộc xung đột ở Balkan: Các can thiệp trước khi Liên bang Nam Tư tan rã; từ năm 1991, Toà Thánh đã lên tiếng kêu gọi tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, các cá nhân và cộng đồng quốc gia, và phủ nhận việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đồng thời khuyến khích đối thoại giữa các bên và tái lập sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc Nam Tư; để thúc đẩy một hoạt động hoà giải sâu sắc, chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi các tín hữu và lãnh đạo Công giáo, Chính thống giáo và Hồi giáo tăng cường đối thoại và làm việc chung trong việc tìm kiếm một bầu khí hoà bình và văn hoá gặp gỡ giữa các dân tộc; và gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi người Balkan đầu tư nhiều hơn vào văn hoá gặp gỡ để vượt qua văn hoá đối đầu.
Đức Hồng Y tiếp tục bài tham luận với việc nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại liên tôn mà theo ngài là một điều kiện cần thiết cho hoà bình. Ngài nói: “Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá được đánh dấu bằng sự tăng tốc của truyền thông quốc tế, đối thoại là một chủ đề quan trọng. Đối thoại liên tôn cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối tương lai hoà bình của Balkan, nơi các nền văn hoá Latinh, Byzantine và Hồi giáo đã gặp nhau và đôi khi đã có những xung đột”.
Nhắc lại giáo huấn của Đức Thánh Cha, Quốc vụ khanh Toà Thánh mô tả đối thoại liên tôn giống như việc xây những cây cầu. Đó là cây cầu hiệp nhất, tạo ra sự hiệp thông, mở ra những cánh cửa cho đối thoại.
Đức Hồng Y nói tiếp: “Khi nói về hòa bình và đối thoại ở Balkan, người ta không thể không nhắc đến cơ hội mà con đường châu Âu mang lại cho toàn bộ khu vực. Triển vọng mở rộng Liên minh châu Âu đã chứng tỏ là một cơ hội thuận lợi để thúc đẩy cải tổ cơ cấu. Trong đó có các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định và dân chủ trên khắp lục địa. Cảm thấy được kết nối với các quốc gia châu Âu, không chỉ vì lý do địa lý nhưng trên hết là vì lý do lịch sử và văn hóa. Các quốc gia Tây Balkan mong muốn hội nhập thể chế với các quốc gia đã thuộc Liên minh châu Âu. Tòa Thánh đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ và hy vọng nguyện vọng này sẽ được thực hiện và có giá trị để làm giảm bớt cảm giác bị bỏ rơi vốn gây khó khăn cho những công dân trông đợi vào Liên minh Châu Âu một tương lai phát triển và thịnh vượng”.
Kết thúc bài tham luận Đức Hồng Y bày tỏ sự gần gũi của Toà Thánh đối với tất cả người dân của vùng Balkan và hy vọng hội nghị quan trọng này có thể đóng góp vào việc xây dựng những cây cầu, kết cấu duy nhất có khả năng giữ cho chúng ta được sống và đảm bảo tương lai, không làm nản lòng trước những khó khăn.
Nguồn: vaticannews