Đức Hồng Y Parolin cho rằng, vào thời điểm mà các mảnh ghép của “Chiến tranh thế giới thứ ba” đang “ghép lại với nhau”, mọi người cần nhận thức rõ hơn rằng hoạt động ngoại giao chỉ có hiệu quả khi nó trở thành một công cụ phục vụ cho con người chứ không chỉ đơn giản nhắm đến “lợi ích quốc gia”. Với xác tín này, trong tất cả các diễn đàn quốc tế, ngoại giao của Tòa Thánh luôn bày tỏ tầm nhìn loan báo Tin Mừng và ngôn sứ của Đức Giáo Hoàng. Như trong thời gian qua, cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô rất rõ ràng trong sự liên kết giữa thế giới, chính trị quốc tế, ngoại giao và lòng thương xót.
Liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ucraina, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhận xét rằng, đối thoại, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, luôn được mong muốn vì hòa bình, điều dường như không có trong hoàn cảnh hiện tại vốn chỉ ủng hộ tiếng nói cá nhân và vũ khí. Tòa Thánh hoạt động ngoại giao bằng cách thúc đẩy đối thoại, ngay cả khi đối thoại với sự hiện diện và đóng góp của những người không thoải mái hoặc của những người, theo quan điểm truyền thống, dường như không hợp pháp cho cuộc đàm phán. Thực tế, phải luôn luôn rõ ràng, giải pháp duy nhất cho mối đe dọa chiến tranh vẫn là đàm phán. Vì lý do này, Tòa Thánh đối thoại với mọi người.
Đức Hồng Y nói, đối với Đức Thánh Cha, điều cần thiết trên hết là khôi phục ý thức về bản sắc chung của chúng ta như một gia đình nhân loại duy nhất. Nói không với những chủ nghĩa dân tộc khép kín. Cách tiếp cận ngoại giao của Tòa Thánh không có gốc rễ chủ nghĩa dân tộc nhưng mang tính phổ quát. Chính vì lý do này mà Tòa Thánh tin chắc vào chủ nghĩa đa phương.
Đức Hồng Y Parolin kết luận, khẳng định một cách mạnh mẽ ý chí không khuất phục trước lập luận bế tắc leo thang quân sự của chiến tranh. Cần một lập luận khác đó là tình huynh đệ, được hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất, là một cách làm nên lịch sử. (Sir. 30/3/2023)
Ngọc Yến - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi