Giảng trong Thánh lễ, nhắc lại mục tiêu của tổ chức bác ái, Đức Hồng Y giải thích rằng, Caritas là một cách đáp lại tình yêu Chúa dành cho chúng ta, đó là trở thành dấu chỉ tình yêu của Chúa đối với người khác, khiêm nhường phục vụ; đó là một cách tốt để chứng tỏ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm đức tin của chúng ta, một cách tuyệt vời nhất để nhận biết Thiên Chúa.
Thật vậy, trước những nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ hai, muốn thể hiện lòng trắc ẩn của Giáo hội đối với toàn thể gia đình nhân loại, vào năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khuyến khích thành lập một liên đoàn để hỗ trợ, điều phối và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức bác ái Công giáo hiện có. Tầm nhìn này được hỗ trợ bởi Thánh Gioan Phaolô II, vào năm 2004 đã nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa Caritas Quốc tế và các mục tử Giáo hội, kết nối Giáo hội với nguồn tình yêu, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình trên Thánh giá và trong Thánh Thể.
Đức Hồng Y Tổng trưởng cho rằng để biết người nào đó có sống bác ái hay không thì hãy xem những gì người đó làm, và có thực hiện trong niềm vui hay không. Chính niềm vui chứng tỏ cho thấy đó là một việc bác ái. Bác ái có nghĩa là kiên nhẫn, và nương tựa vào tình yêu Chúa sẽ cho chúng ta khả năng và sức mạnh để làm việc một cách kiên nhẫn. Vì vậy, khi chúng ta biết rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta “ở lại” với Người, thì việc chúng ta ở trong Người không có chỗ cho sự chán nản.
Caritas Quốc tế đã được thành lập cách đây hơn 70 năm để thể hiện tình yêu xuất phát từ trái tim Giáo hội; chính từ Giáo hội xuất phát các hoạt động phục vụ do Caritas cung cấp, đặc biệt đối với những người cần giúp đỡ nhất; theo nghĩa này, lặp lại lời Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Czerny khẳng định rằng nhiệm vụ của cơ cấu này có ba phần:
Trước hết là “rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc lành”. Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy các dự án quan trọng và thực hiện các chiến lược hiệu quả và đón nhận sự hoán cải Giáo hội và truyền giáo, tính hiệp hành như được gọi ngày nay, bằng cách loan truyền Tin Mừng đến toàn thế giới.
Nhiệm vụ thứ hai là “hỗ trợ các cơ quan Caritas địa phương như những biểu hiện sứ vụ mục vụ của Giáo hội, giúp các giám mục và linh mục, tu sĩ và giáo dân, mang thông điệp tình yêu của Giáo hội đến với người nghèo và trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa.
Và cuối cùng, chúng ta phải tìm kiếm sự “hiệp nhất”. Bởi vì, Caritas Quốc tế bao gồm nhiều người khác nhau, thể hiện tính phong phú, vì thế phải khuyến khích các cơ cấu địa phương, không chỉ qua ý tưởng và lời nói, nhưng trên hết bằng gương tốt và sự phục vụ chu đáo và là những người bảo đảm cho sự hiệp nhất của các cơ cấu này.
Nguồn: vaticannews