ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN Ý NGHĨA NGÀY CHÚA NHẬT - NGÀY CỦA CHÚA
Phêrô Lê Tùy Vũ Đức Anh
- Trong đời sống thường nhật, nhiều người không cùng chung chia niềm tin Kitô giáo đã tỏ ra rất khó chịu khi thấy những người Công giáo gọi ngày thứ nhất/ ngày thứ tám trong tuần là ngày Chúa nhật thay vì Chủ nhật. Họ nghĩ rằng người Công giáo muốn đề cao tôn giáo của mình nên thay vì đọc “chủ” lại thành ra “Chúa”. Thậm chí, một số người Công giáo cũng cảm thấy phiền toái và nặng nề khi dường như họ không khám phá ra vị trí của mình trong ngày ấy, nhiều người nghĩ rằng ngày Chúa nhật là ngày họ phải đi lễ vì bổn phận, vì sợ tội, vì sợ Chúa phạt... Thêm nữa, cũng không ít người lại lý luận rằng, việc nói ngày Chúa nhật là ngày của Chúa là một điều thừa thãi, bởi vì Chúa là Đấng làm chủ thời gian, là Chủ tể của vũ hoàn và như thế thì ngày nào mà chẳng phải là ngày của Chúa? Liệu rằng, ngày Chúa nhật/ ngày Chủ nhật - Ngày của Đức Chúa có thực sự là một ngày tiêu cực như thế?
Thực ra, tất cả những điều trên chỉ là một sự hiểu lầm đầy tai hại và dưới sự soi sáng của nền tảng Kinh Thánh, của truyền thống phụng vụ cổ kính và của huấn quyền Hội thánh, chúng ta được mời gọi để tái khám phá, để sống trọn vẹn ý nghĩa ngày Chúa nhật - ngày của Chúa và là ngày của mỗi chúng ta.
CHÚA NHẬT LÀ NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA - NGÀY CỦA ĐỨC KITÔ
Trong Kinh Thánh, chúng ta cần xác định rằng có hai thuật ngữ khác biệt để chỉ về Thiên Chúa đó là ĐỨC CHÚA (LORD - YHWH) và Thiên Chúa (God - Elohim). Nếu như ĐỨC CHÚA được hiểu như là tên riêng vị Thiên Chúa của Ít-ra-en (danh từ riêng), chính Ngài đã mặc khải danh cho Mô-sê trong trình thuật Xh 3; thì Thiên Chúa ở đây được hiểu là Đấng Tối Cao (danh từ chung). Xét từ nền tảng Kinh Thánh, cụm từ “Ngày của Chúa” ở đây phải hiểu đúng hay đọc đầy đủ là “ngày của ĐỨC CHÚA” - một Thiên Chúa cụ thể, một Thiên Chúa của mối tương quan chứ không phải là một Thiên Chúa mơ hồ.
Trong thực tế cụm từ “ngày của ĐỨC CHÚA” đã trở nên một thành ngữ xuất hiện với tần suất thường xuyên trong dòng chảy của Kinh Thánh, trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước[1]. “Ngày của ĐỨC CHÚA” là một diễn tả đặc trưng của sách các Ngôn sứ và đặc biệt là một chủ đề gần như xuyên suốt trong sách XII (trừ cuốn Gn)[2]. Khái niệm này gắn liền với yếu tố cánh chung ngôn sứ, thậm chí, có thể được coi là khái niệm cô đọng của cánh chung. Ngôn ngữ Híp-ri sử dụng thành ngữ יֹם לַוהיָה - yôm yhwh - “ngày của ĐỨC CHÚA” để nói về sự can thiệp tích cực hay tiêu cực của Thiên Chúa trong lịch sử Ít-ra-en và trong dòng lịch sử của nhân loại[3]. Ngày ấy là ngày Thiên Chúa thi ân giáng phúc, ngày Chúa ra cánh tay uy quyền thể hiện sự công bình, ngày ấy là ngày hồng ân, ngày cứu độ[4].
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở Cựu Ước, chỉ dừng lại ở nhãn quan của Do Thái giáo thì người ta có thể cho rằng “Ngày của ĐỨC CHÚA” tương ứng với ngày Sa-bát trong Tân Ước. Như chúng ta đã biết, ngày Sa-bát được Đức Chúa thiết lập cho quốc gia Ít-ra-en để kỷ niệm việc Ngài giải cứu họ khỏi Ai Cập (Đnl 5, 15). Ngày Sa-bát được bắt đầu vào lúc mặt trời lặn của ngày thứ sáu và kết thúc vào lúc mặt trời lặn của ngày thứ bảy và là ngày nghỉ ngơi hoàn toàn sau mọi công việc lao động vất vả. Điều này gợi nhớ và biểu trưng cho sự nghỉ ngơi của Đấng Tạo Hóa vào ngày thứ bảy như đã được đề cập trong Kinh Thánh Cựu Ước (St 2, 2-3; Xh 20,11; 23,12)[5]. Ngày Sa-bát là một dấu chỉ đặc biệt đối với dân Ít-ra-en và tỏ lộ rằng chính họ đã được tách biệt để trở nên dân riêng của Thiên Chúa và việc họ giữ ngày Sa-bát sẽ giúp phân biệt họ với các dân tộc xung quanh. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, không chỗ nào trong Kinh Thánh khẳng định trực tiếp ngày Sa-bát là “ngày của Đức Chúa”[6]. Do đó, thuật ngữ ngày Sa-bát vẫn được sử dụng trong cộng đồng Do Thái trong thời Tân Ước và được Đức Giêsu cũng như các môn đệ của Ngài gọi như vậy (Mt 12,5; Ga 7,23; Cl 2,16).
Trong bối cảnh Tân Ước, chúng ta khám phá ra rằng mọi sự đều được quy về Đức Giêsu Kitô hay chính Ngài đã trở nên trung tâm, cùng đích và cứu cánh của nhân loại[7]. Qua biến cố nhập thể, khổ nạn và phục sinh của Ngài, ĐỨC CHÚA đã thi ân giáng phúc, đã can thiệp vào dòng lịch sử một cách cụ thể qua một con người cụ thể. Thiên Chúa đã chấp nhận tự giới hạn mình bằng cách mặc lấy thân xác của một con người để rồi cùng chịu sự giới hạn bởi thời gian như mỗi người chúng ta. Chúa nhật chính là ngày mà Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, một hành động vĩnh viễn tách Kitô giáo ra khỏi bất kỳ tôn giáo nào khác. Kể từ đó, các tín hữu đã nhóm họp vào ngày thứ nhất trong tuần để kỷ niệm chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết (Cv 20,7; 1Cr 16,2). Và như thế, mặc dù ngày Sa-bát được Đức Chúa chỉ định là ngày thánh, thế nhưng chính Đức Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài là Chủ của ngày Sa-bát (Mt 12,8), Ngài đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn Lề Luật.
Thật đặc biệt vì 3 yếu tố thần học xuất phát từ nền tảng Thánh Kinh đã minh chứng cho việc khẳng định ngày Chúa nhật là ngày của ĐỨC CHÚA và là Ngày của Đức Kitô. Đầu tiên, đó là ngày Chúa Kitô sống lại từ ngôi mộ. Đây là lý do làm cho ngày Chủ Nhật là Ngày của Đức Chúa (domingo) và tại sao hội thánh thời Tân Ước lại nhóm họp để cùng nhau bẻ bánh vào ngày này. Thứ hai, ngày Chúa nhật cũng là ngày thứ nhất trong tuần và đó là ngày đầu tiên của một sáng tạo mới. 2Cr 5,17 đã xác định các Kitô hữu như là những thụ tạo mới trong Đức Kitô, thế nên ngày đầu tiên sau ngày Sa-bát, theo Sáng Thế chương 1 là ngày tạo dựng (mới). Thứ ba, Chủ nhật cũng là ngày thứ tám, một ngày vừa liên quan đến lễ cắt bì, vừa là “ngày cuối cùng của sự yên nghỉ và niềm vui vĩnh cửu”.
Truyền thống cổ kính của Hội thánh xuyên suốt dòng lịch sử đã minh chứng cho ý tưởng này, tuy nhiên, đây vốn là một hành trình mang tính tiệm tiến. Việc cử hành ngày Chúa nhật vào ba thế kỷ đầu đã được các chứng liệu khác ghi chép lại cách đầy đủ. Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem ban đầu đã cử hành cả ngày Sa-bát lẫn ngày Chúa nhật, dầu vậy, cho tới cuối thế kỷ thứ nhất thì sự phân biệt việc cử hành hai ngày lễ này đã rất rõ ràng. Tới năm 107, thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a đã có thể viết như sau: Những kẻ khi xưa sống theo trật tự cũ, nay đã được tiến tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày Sa-bát nữa, nhưng là sống theo Chúa nhật, ngày mà đời sống chúng ta được trổ sinh nhờ Chúa Kitô và do cái chết của Người.
Năm 112, Pline le Jeune, một sử gia ngoại giáo viết cho Trajano như sau: các người có Đạo bị giam giữ đều quả quyết rằng mọi lỗi lầm của họ chỉ hệ tại ở việc vẫn quen nhóm họp với nhau vào một ngày nhất định, trước lúc hừng đông, để hát với nhau khúc ca tôn vinh Chúa Kitô như một Thượng Đế. Ngày mà sử gia Pline le Jeune muốn nói chính là ngày Chúa nhật.
Lời hộ giáo của Thánh Giustinô (165) gửi hoàng đế Rôma, vào giữa thế kỷ thứ hai, đã cho chúng ta thấy Giáo Hội ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của ngày Chúa nhật:
Ngày gọi là ngày Mặt Trời, tất cả chúng tôi kẻ ở tỉnh, người ở thôn quê đều tụ tập nhau về một nơi. Người ta đọc hồi ký các Tông đồ hay là sách của các ngôn sứ... Chúng tôi tất cả họp nhau vào ngày Mặt Trời vì đó là ngày thứ nhất, ngày mà Thiên Chúa đưa vật chất ra khỏi cảnh hỗn mang, tạo dựng nên thế gian này, và cũng chính ngày đó, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng tôi đã sống lại từ trong kẻ chết.
Điều này cũng được minh chứng bằng huấn quyền của Giáo hội. Vào năm 1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa) về việc hiến thánh Ngày của Chúa. Tông thư khẳng định ngày Chủ nhật không chỉ là Ngày của Chúa, mà còn là Ngày của Đức Kitô (Dies Christi), ngày của công cuộc tạo dựng mới và của ân sủng của Thánh Thần; Ngày của Giáo hội, ngày cộng đoàn Kitô hữu họp lại với nhau; Ngày của con người, Dies Hominis, ngày của dân chúng, ngày mừng vui, nghỉ ngơi và của tình yêu thương.
Qua phần trình bày trên, dựa trên nền tảng của Thánh Kinh, Thánh Truyền và huấn quyền của Hội thánh, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng: ngày Chúa nhật không gì khác chính là “Ngày của ĐỨC CHÚA” và là “ngày của ĐỨC KITÔ”. Tuy nhiên, chắc chắn Thiên Chúa không chỉ tạo nên ngày ấy cho riêng Ngài, nhưng là cho tất cả chúng ta, vì thế, chúng ta sẽ cùng đi đến phần tiếp theo của bài viết.
CHÚA NHẬT LÀ NGÀY CỦA NIỀM VUI - NGÀY CỦA MỖI CHÚNG TA
Công đồng Vaticanô II đã trình bày rất rõ ràng trong số 106 của Hiến chế Phụng vụ, Sacrosanctum Concilium, về tầm quan trọng của Ngày Chúa nhật như sau: Ngày Chúa nhật, các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc Khổ nạn, sự Phục sinh và vinh quang của Chúa Giêsu; đồng thời, cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã “dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1Pr 1,3). Vậy, ngày Chúa nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thực sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa nhật, bởi vì ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.
Thật thế, đúng như Hiến chế đã khẳng định ở phía trên “Ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc” - NGÀY CỦA NIỀM VUI, bởi lẽ việc cử hành Chúa nhật mang một âm điệu lễ hội vì chính Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi, và Người muốn chiến thắng tội lỗi trong chúng ta”[8]. Người muốn phá bỏ những mối dây ngăn cách chúng ta với Người, những sợi dây trói buộc chúng ta trong sự ích kỷ và cô lập. Và vì vậy, chúng ta cùng hòa vào lời tung hô của Giáo hội cho ngày này trong Giờ kinh Phụng vụ:
Hæc est die, quam fecit Dominus: exsultemus et lætemur in ea - Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy hỉ hoan vui mừng! (Tv 117,24)
Đi xa hơn, tính chất lễ hội của ngày Chúa nhật còn được phản ánh trong một số các yếu tố phụng vụ như ca nhập lễ, bài đọc thứ hai trước Tin Mừng, bài giảng, lời tuyên xưng đức tin (ngoại trừ các Chúa nhật Mùa Vọng và Mùa Chay), Kinh Vinh Danh. Dĩ nhiên, tất cả những điều ấy nhằm phản ánh niềm vui của Giáo hội trong việc tưởng niệm Sự Phục Sinh của Chúa chúng ta.
Và như thế, Chúa nhật trở nên một ngày vô cùng đặc biệt, ngày ấy mời gọi chúng ta bước ra khỏi thói quen của những ngày mà đôi khi tưởng chừng như “một vòng lẩn quẩn”. Đây chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng để chúng ta có thể đến gần Ngài hơn và cùng với Ngài cử hành biến cố Phục sinh của Ngài: biến cố mang đến cho chúng ta một cuộc sống mới. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Dies Domini đã mời gọi chúng ta tái khám phá Chúa nhật như là thời gian đặc biệt dành cho Thiên Chúa. “Đừng sợ dành thời gian của bạn cho Đức Kitô! Đúng vậy, chúng ta hãy hiến dâng thời gian của mình cho Ngài, để Ngài soi đường, chỉ lối cho chúng ta. Ngài là Đấng biết bí mật của thời gian và bí mật của sự vĩnh cửu, và chính Ngài đã ban cho chúng ta ‘ngày của Ngài’ như một món quà luôn tươi mới nơi tình yêu của Ngài.” (Dies Domini, số 7).
Chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khi biết rằng nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành chi thể của Đức Kitô, Đấng liên kết với chúng ta để tôn vinh Chúa Cha, dâng lên Người những lời cầu xin và ước muốn của chúng ta. Đặc biệt, khi cử hành ngày Chúa nhật, khi cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, các tín hữu được hiệp nhất với cuộc Khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô, đồng thời họ cũng hoàn thành lệnh truyền của Đức Chúa và truyền lại cho các thế hệ Kitô hữu kế tiếp như một kho tàng quý giá nhất. “Ego enim accepi a Domino, quod et tradidi vobis...” Điều mà tôi đã nhận từ Đức Chúa cũng chính là điều mà tôi đã truyền cho anh em.”
Và như thế, chúng ta khám phá ra rằng, Ngày Chúa nhật - Ngày của Niềm Vui - Ngày của chính chúng ta không phải là một ngày mang tính cá nhân. Đúng hơn, chúng ta luôn cử hành ngày trọng đại này trong sự hiệp nhất với toàn thể Giáo hội. Trong Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta củng cố mối tương quan của mình với các thành viên khác trong cộng đồng Kitô hữu để chúng ta nên một thân thể và nên một trong Thánh Thần “một Chúa, một đức tin, một phép rửa; một Thiên Chúa duy nhất và là Cha của tất cả chúng ta, Đấng ở trên tất cả, qua tất cả và trong tất cả.” (Ep 4, 4-6)
Thêm vào đó, giá trị thánh hóa của Thánh Lễ không giới hạn vào thời gian cử hành. Nó mở rộng đến mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta theo cách mà “chúng ta có thể coi Thánh Lễ như là trung tâm và là nguồn mạch của đời sống thiêng liêng của một Kitô hữu.” đến nỗi chúng ta có thể được thôi thúc và thốt lên những lời mà các vị tử đạo ở Abitina vào thế kỷ thứ ba đã nói “Sine Dominico non possumus: chúng ta không thể sống thiếu Bữa Tiệc Ly của Chúa” (Dies Domini, số 46).
Như thế, nơi thánh lễ Chúa nhật, Đức Kitô đã liên kết chúng ta nên một qua Thánh Thể, làm cho chúng ta no thỏa và trở nên phong phú hơn với bàn tiệc lời Chúa. Dầu vậy, chúng ta cũng không quên chiều kích “nghỉ ngơi” trong ngày của ĐỨC CHÚA và cũng là ngày của CHÚNG TA.
Mặc dù có một ngày trong tuần để nghỉ ngơi có thể hợp lý vì những lý do thuần túy con người như vì tốt cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội, thế nhưng, chúng ta đừng vội dừng lại ở góc nhìn này nhưng cần đi xa hơn: “Sự nghỉ ngơi thánh thiêng của ngày thứ bảy không ám chỉ đến việc Thiên Chúa không làm gì cả nhưng đúng hơn nhằm nhấn mạnh đến sự trọn vẹn của những gì đã hoàn thành”. Có vẻ như nó nói lên việc Thiên Chúa nấn ná trước công trình ‘rất tốt lành’ (St 1,31) mà tay Người đã làm ra, để rồi chiêm ngưỡng những công trình ấy với một cái nhìn đầy hân hoan vui sướng.” (Dies Domini, số 11)
Nếu như phép lạ giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ như là một hình ảnh biểu trưng cho những gì Chúa Kitô làm cho Giáo hội của Ngài qua mầu nhiệm vượt qua thì chính Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, giúp chúng ta chiến thắng những khuynh hướng xấu xa của mình. Và đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta có thể nói rằng Chúa nhật là một ngày đặc biệt để sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa: một sự tự do dẫn chúng ta đến việc tôn thờ Chúa Cha và thực hành tình huynh đệ Kitô giáo, bắt đầu từ những người gần gũi nhất với chúng ta. Không gì khác, Thánh Lễ Chúa nhật cũng chính là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình vì Thánh Thể là bí tích của đức ái, bí tích của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
“Qua ngày nghỉ Chúa nhật, những mối bận tâm và công việc hằng ngày có thể tìm thấy con đường đúng đắn của chúng: những điều chúng ta lo lắng về vật chất sẽ nhường chỗ cho những giá trị tinh thần; trong một khoảnh khắc gặp gỡ và trao đổi ít áp lực hơn, chúng ta nhìn thấy bộ mặt thật của những người mà chúng ta đang sống cùng.” (Dies Domini, số 72)
“Giáo hội luôn quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và khi không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là Trung Gian, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (Sacrosanctum Concilium số 48).
Dựa trên quan điểm của cha Jounel, chúng ta có thể tóm lược ý tưởng “Chúa nhật là Ngày của Chúa và Ngày của chúng ta” qua những điểm sau: “Ngày của Chúa”: (1) là một cuộc tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa mà chúng ta thành tâm kính nhớ trong đức tin; (2) là sự đợi trông ngày tái giáng của Chúa mà ta sống bằng đức cậy; (3) là sự hiện diện qua cuộc tập hợp các tín hữu, qua việc tuyên dương Lời Chúa trong cử hành Thánh Thể: sự hiện diện đích thực và âu yếm của Chúa giữa các chi thể của Người, mà ta thông hiệp trong đức mến[9].
TẠM KẾT
Qua phần trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng, việc người Kitô hữu gọi ngày chủ nhật là ngày Chúa nhật hay ngày của Đức Chúa không gạt bỏ yếu tố Thiên Chúa là chủ tể của thời gian, của công trình sáng tạo, thế nhưng đúng hơn “NGÀY CHÚA NHẬT - NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA” nhắc nhớ đến một biến cố vô cùng trọng đại, một biến cố vô tiền khoáng hậu trong dòng lịch sử của nhân loại và mang tính cứu cánh đối với mọi người - NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA cũng chính là NGÀY CỦA ĐỨC KITÔ, ĐẤNG ĐÃ CHẾT VÀ ĐÃ PHỤC SINH. Thêm nữa, NGÀY CỦA ĐỨC KITÔ cũng là NGÀY CỦA CHÍNH CHÚNG TA, bởi lẽ Đức Kitô đã không chết và phục sinh một cách vô nghĩa, thế nhưng đúng hơn Ngài đã chết và đã phục sinh vì chính chúng ta. Ngày Chúa nhật cũng là ngày con người được kết nối qua Thánh Lễ, qua bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể, để rồi họ hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với nhau nơi Đức Kitô và khám phá phẩm giá đích thực của mình, khám phá niềm vui mà Thiên Chúa trao ban chứ không chỉ tham dự thánh lễ như điều gì tẻ nhạt và nặng nề.
Thật vậy, không có hai Thiên Chúa khác biệt giữa Cựu Ước với Tân Ước, đúng hơn Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, một Thiên Chúa cụ thể, một Thiên Chúa của mối tương quan chứ không phải là một Thiên Chúa mơ hồ. Chính vị Thiên Chúa ấy là Đấng đã tạo dựng con người, đã dẫn dắt họ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập qua cuộc xuất hành, đã hiến mình vì họ trên đỉnh đồi Gôn-gô-tha năm nào và Ngài cũng chính là Đấng sẽ trở lại trong vinh quang và đưa con người đến với niềm hoan lạc cánh chung.
Đấng ấy đã yêu thương họ trong quá khứ, đang yêu thương họ trong hiện tại và vẫn tiếp tục yêu thương họ trong tương lai và cho đến mãi muôn đời.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Kinh Thánh
- Kinh Thánh ấn bản 2011. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.
Tài liệu Huấn quyền
- Công đồng Vatican II. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (1963). Bản dịch của UBGLĐT-HĐGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
- ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAO-LÔ II, Tông thư Dies Domini (1998).
- ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi.
Các tài liệu tham khảo khác
- “Năm Phụng vụ”, Giáo trình, Học viện Đa Minh, 2017.
- Jonathan Edwards, The Perpetuity and Change of the Sabbath”. Retrieved 24, 2017.
- Christian Roy, Traditional Festivals: A Multicultural Encyclopedia, 2005.
- Roger T. Beckwith, Calendar and Chronology, Jewish and Christian: Biblical, Intertestamental and Patristic Studies, 2001.
- Samuele Bacchiocchi, From Sabbath to Sunday: A Historical Investigation of the Rise of Sunday Observance in Early Christianity, Biblical perspectives. Vol. 1 (17 ed.), Pontifical Gregorian University Press, 2000.
- X. W. von Soden - J. Bergman - Theological Dictionary of the Old Testament, Bt. G.J. Botterweck - H. Ringgen, tập 6 (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Co., 1990).
- Don A Carson ed, From Sabbath to Lord’s Day, Wipf & Stock Publishers/Zondervan, 1982.
- https://catechesis.net/tong-quan-ve-ngay-cua-duc-chua-trong-sach-xii
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)
[1] Cụm từ “Ngày của Chúa” xuất hiện 21 lần trong Kinh thánh Cựu Ước và xuất hiện 1 lần trong Tân Ước (Kh 1,10)
[2] https://catechesis.net/tong-quan-ve-ngay-cua-duc-chua-trong-sach-xii/
[3] X. W. von Soden - J. Bergman - Theological Dictionary of the Old Testament, Bt. G.J. Botterweck - H. Ringgen, tập 6 (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Co., 1990), tr. 30.
[4] X. S. Mowinckel, He That Cometh: The Messiah Concept in the Old Testament and Later Judaism, Dg. G.W. Anderson (Nasville, TN: Abingdon Press, 1956), tr. 145.
[5] Jonathan Edwards, The Perpetuity and Change of the Sabbath. Retrieved 24, 2017.
[6] Samuele Bacchiocchi, From Sabbath to Sunday: A Historical Investigation of the Rise of Sunday Observance in Early Christianity, Biblical perspectives. Vol. 1 (17 ed.), Pontifical Gregorian University Press, 2000.
[7] Don A Carson ed, From Sabbath to Lord's Day, Wipf & Stock Publishers/ Zondervan, 1982, pp. 252
[8] Christian Roy, Traditional Festivals: A Multicultural Encyclopedia, 2005, p 455.
[9] “Năm Phụng vụ” (Giáo trình, Học viện Đa Minh, 2017), tr. 21.
Nguồn: hdgmvietnam