Đức cha Nwachukwu mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Phân bộ loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo phận mới của Bộ Loan báo Tin Mừng. Ngài muốn thu hút sự chú ý của quốc tế về “tình hình của nhiều cá nhân và cộng đồng đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo của họ”. Ngài trích dẫn lời của Đức Thánh Cha: “Hòa bình cũng đòi hỏi sự công nhận phổ quát về tự do tôn giáo. Điều đáng lo ngại là mọi người bị đàn áp chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình và ở nhiều quốc gia, tự do tôn giáo bị hạn chế. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những tình cảnh này.”
Việc xúc phạm và phá huỷ nơi thờ tự, tân công các lãnh đạo tôn giáo
Đại diện Toà Thánh tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở Genève nói: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các biện pháp đàn áp và lạm dụng, thậm chí bởi chính quyền quốc gia, chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các tín đồ thường bị từ chối quyền bày tỏ và thực hành đức tin của mình, ngay cả khi điều này không gây nguy hiểm cho an ninh công cộng hoặc vi phạm quyền của các nhóm hoặc cá nhân khác”. Hơn nữa, “việc xúc phạm và phá hủy các nơi thờ tự và địa điểm tôn giáo, cũng như các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo, gần đây đã leo thang và ngày càng trở nên phổ biến một cách đáng sợ.”
Sự bách hại ngấm ngầm, tinh vi
Theo Đức cha Nwachukwu, điều đáng lo ngại không kém là “tình trạng của các tín hữu ở một số quốc gia, nơi đằng sau vẻ bề ngoài khoan dung và hòa nhập, sự phân biệt đối xử được thực hiện một cách tinh vi và ngấm ngầm hơn. Ở ngày càng nhiều quốc gia, chúng ta đang chứng kiến sự áp đặt các hình thức kiểm duyệt khác nhau làm giảm khả năng thể hiện niềm tin của một người cả về mặt công khai và chính trị, với lý do tránh xúc phạm sự nhạy cảm của người khác”.
Bách hại gia tăng cả những nơi Kitô hữu chiếm đa số
Đại diện Toà Thánh cũng nhấn mạnh rằng “chúng ta không được bỏ qua thực tế là bạo lực và các hành vi phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu đang gia tăng ngay cả ở những quốc gia mà họ không phải là thiểu số. Tự do tôn giáo cũng gặp nguy hiểm khi các tín hữu thấy khả năng bày tỏ niềm tin của mình trong đời sống xã hội bị hạn chế dưới danh nghĩa một quan niệm sai lầm về hòa nhập.”
Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do tôn giáo
Và ngài kết luận: “Các chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền này và đảm bảo rằng mọi người, theo cách phù hợp với lợi ích chung, đều có khả năng hành động theo lương tâm của mình, ngay cả trong lãnh vực công cộng và trong việc thực hành lời tuyên xưng đức tin của một người.”
Hồng Thủy - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi