Cuộc sống truyền giáo ở Nam Sudan của cha Michael Bassano

002.jpeg
Các tín hữu Nam Sudan  (ANSA)

Cha Bassano là linh mục Công giáo duy nhất đang phục vụ cộng đoàn các tín hữu ở Trại Bảo vệ các thường dân của Liên Hiệp Quốc ở Malakal, khu vực phía đông bắc Nam Sudan. Trong 10 năm qua, cha sống ở nơi đây, đón tiếp hơn 35 ngàn người di tản trong nước, những người phải chạy trốn cuộc nội chiến và xung đột sắc tộc bắt đầu xảy ra từ năm 2011.

Cha đến quốc gia châu Phi này vào tháng 10/2013 với tư cách là thành viên của tổ chức Công giáo Liên đới với Nam Sudan. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là giáo dục và đào tạo y tế, các dự án nông nghiệp và hoạt động mục vụ. Chỉ hai tháng sau khi cha đến, nội chiến đã nổ ra ở Juba và lan đến  Malakal là nơi cha đang thi hành mục vụ. Cha và các nữ tu thoát chết trong một cuộc đấu súng giữa các nhóm đối lập và quân đội chính phủ. Vì thế, vào ngày 02/02 cha và các nữ tu phải sơ tán đến Rumbek, phía tây của đất nước và bắt đầu làm việc ở đó. Tuy nhiên mong muốn của cha là trở lại Malakal và ở lại trong trại của Liên Hiệp Quốc để trợ giúp những người di tản, bởi vì ở đó không có ai phục vụ cộng đoàn Công giáo.

Với quyết tâm, vào tháng 11/2014 cha trở lại Malakal cùng với một linh mục và một nữ tu. Như thế cộng đoàn Công giáo được sinh ra trong trại. Cha Bassano nói cha không nghĩ cha sẽ thi hành sứ vụ này. Cha cảm thấy được Thánh Thần thúc đẩy ở với những người đang thiếu thốn mọi sự, nhất là những người Công giáo.

Tại đây, được Liên Hiệp Quốc phát cho một cái lều với sức chứa khoảng 30 người, cộng đoàn Công giáo sử dụng làm nơi để tụ họp vào mỗi sáng Chúa nhật. Cha Bassano nói: “Đây là khởi điểm khiêm tốn của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ và giúp đỡ mọi người bằng cách tạo dựng một cộng đoàn Công giáo thông qua các hoạt động do chúng tôi cung cấp như các nhóm thanh niên, Hội các bà mẹ, ca đoàn… Với những hoạt động này chúng tôi giống như một cộng đoàn giáo xứ. Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy hy vọng, và do đó mặc dù phải sống trong một cái lều, họ vẫn tin rằng một ngày nào đó họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Sứ vụ của chúng tôi là mang lại niềm hy vọng cho mọi người”.

Với thời gian, cộng đoàn Công giáo đã từng bước phát triển. Cha và mọi người đã tạo dựng được một nhà thờ bằng tôn lớn hơn. Số tín hữu cũng gia tăng với khoảng 4.000 người trong số 40.000 người trong trại.

Một ngày sống của linh mục truyền giáo được bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Sau đó cha đến văn phòng của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Trong hai năm qua, cha và các cộng tác viên đã thực hiện một dự án đó là giúp mang thức ăn đến trại. Với số tiền nhận được từ Hiệp hội Maryknoll ở New York, cha mua thức ăn mang đến phân phát cho mọi người.

Ngoài ra cha còn đến thăm các bệnh nhân ở bệnh viện của các Bác sĩ không Biên giới hoặc phòng khám của Quân đoàn Y tế Quốc tế, cả hai đều ở trong trại.

Cha cho biết một thách đố thực tế ở đây đó là người dân cần rất nhiều thứ. Ngày nào cũng có người đến với cha để xin trợ giúp một thứ gì đó, họ rất nghèo khổ. Cha phải cố gắng liên hệ với tổ chức của Liên Hiệp Quốc để người dân mau chóng được can thiệp. Tuy nhiên, đôi khi vượt quá sức, cha không biết phải làm thế nào và tự nhủ “Hãy làm hết sức, phần còn lại để Chúa liệu”.

Một khó khăn khác trong sứ vụ của cha đó là vấn đề giao tiếp với mọi người xung quanh. Trong trại có các nhóm sắc tộc khác nhau, như Shilluk hoặc Nuer. Mặc dù ngôn ngữ của Nam Sudan là tiếng Anh, tất cả đều nói ngôn ngữ địa phương và Ả Rập. Để có thể giúp họ một cách thiết thực hơn, và mặc dù đã lớn tuổi, mỗi ngày cha vẫn cố gắng học thêm ngôn ngữ của họ.

Ngoài những khó khăn, cha cũng nhận được nhiều niềm vui trong môi trường truyền giáo này. Cha nói Chúa nhật là ngày yêu thích của cha. Trong Thánh lễ, mọi người đều bày tỏ niềm vui được là thành phần của Giáo hội, cảm thấy mình quan trọng. Có thể thấy điều này qua nụ cười của họ và cách họ hát vang ca tụng Chúa. Chính những điều này là động lực cho cha tiếp tục thi hành sứ vụ.

Nói về kinh nghiệm trong môi trường truyền giáo này, cha  Bassano chia sẻ: “Những người sống trong trại đã dạy tôi rằng đôi khi chúng ta có thể ăn mừng chỉ đơn giản vì niềm vui được ở bên nhau. Họ có thể mất tất cả nhà cửa, đất đai, các phương tiện sinh sống, nhưng họ có nhau. Chính nhờ mối tương quan được tạo ra như một gia đình của Thiên Chúa mang lại sự sống và niềm vui giữa đau khổ. Đó là ân sủng Chúa”.

Ngọc Yến - Vatican News

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê