Theo thông cáo của Cộng đoàn thánh Egidio, cuộc gặp gỡ diễn ra vào thời điểm các bức tường đang dựng lên và sự cam chịu trước những cuộc chiến tranh dai dẳng, như cuộc chiến ở Syria, và cuộc xung đột bi thảm vẫn đang tiếp diễn sau một năm rưỡi ở Ucraina. Trong bối cảnh thế giới bị đánh dấu bởi sự trỗi dậy đáng buồn của chiến tranh ở châu Âu và những xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, bên cạnh sự gia tăng bất bình đẳng, nghèo đói và khủng hoảng sinh thái, thì việc hình dung và xây dựng một tương lai khác biệt trở nên cấp bách và cần thiết. Cần sự táo bạo để thúc đẩy và xây dựng sự chung sống hòa bình, đối thoại và liên đới ở mọi cấp độ. Vì lý do này, mọi người thuộc các tôn giáo và văn hóa sẽ gặp nhau trong 3 ngày để thảo luận và cùng nhau làm việc hướng tới một tương lai hòa bình và liên đới theo tinh thần Assisi.
Việc lựa chọn thủ đô của Đức để tổ chức sự kiện này mang tính biểu tượng cao, như Chủ tịch Cộng đoàn Marco Impagliazzo giải thích: “Trong một giai đoạn chứng kiến nhiều bức tường dựng trở lại và sự phân cực đáng lo ngại gia tăng, thì một ví dụ về một thành phố, một thủ đô vĩ đại của châu Âu, nơi một bức tường đã sụp đổ nhờ sức mạnh của các nền dân chủ, đối thoại và sự kiên nhẫn xây dựng các kênh hòa bình, là nền tảng và mang lại hy vọng cho tương lai”.
Buổi khai mạc vào chiều ngày 10/9 sẽ được nối tiếp vào ngày hôm sau bởi 20 diễn đàn về các chủ đề như khủng hoảng môi trường, người di cư, đối thoại liên tôn, toàn cầu hóa, giải trừ quân bị, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật từ các tổ chức và từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia văn hóa từ 33 quốc gia trên tất cả các châu lục, cũng như nhiều phái đoàn từ các Giáo hội Kitô, Hồi giáo, Do Thái giáo và các tôn giáo khác trên thế giới.
Trong số các tham dự viên sẽ có tổng thống và thủ tướng Đức, tổng thống Guinea, đại Imam Ahmed Al-Tayyeb, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, và một số nhân vật quan trọng khác.
Ngày gặp cuối cùng sẽ diễn ra trước Cổng Brandenburg vào chiều ngày 12/9, nơi dự kiến sẽ có sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô và lời kêu gọi hòa bình của các tôn giáo trên thế giới.
Nguồn: vaticannews