Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến,
Ngày trọng đại, vui mừng và mang nhiều ý nghĩa nhất của Kitô giáo đó là ngày đại lễ Phục Sinh hôm nay. Chính ngày hôm nay, làm cho tất cả các ngày lễ khác có ý nghĩa, kể cả lễ Giáng Sinh. Nếu Chúa không sống lại từ cõi chết thì như Thánh Phaolô Tông Đồ nói : tất cả nền tảng đức tin của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, vô ý nghĩa và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trở thành một tin buồn chứ không phải Tin Vui. Sự Phục Sinh của Chúa cho chúng ta thấy rõ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Chúa Kitô sống lại, Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu Phục Sinh này đến cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương. Vì thế, tiếng nói cuối cùng không phải là của sự dữ và tội ác, mà là lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã đổi mới tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài, làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm tin và hy vọng. Vậy giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ này trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen quyền năng vô biên của Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại khải hoàn.
Ca nhập lễ
Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu – Alleluia.
Hoặc đọc:
Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.
Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Trong Ngày cực thánh này, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa dâng lời cầu nguyện, để niềm vui Phục Sinh của Con Chúa lan tỏa khắp trần gian.
1. Xin cho niềm vui Phục Sinh làm cho Hội Thánh được đổi mới và hăng hái dấn thân như bà Maria Ma-đa-lê-na, Thánh Phêrô và Thánh Gioan trong việc làm chứng và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.
2. Xin cho cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô trở nên nguồn an ủi và hy vọng cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bị bỏ rơi hay chịu bất công xã hội.
3. Xin cho sự Phục Sinh của Chúa Kitô trở nên nguồn hòa giải và phúc bình an cho những ai đang sống trong hận thù, bạo lực và chiến tranh.
4. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh biến đổi tâm hồn chúng ta, đặc biệt là các anh chị em tân tòng vừa được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng Phục Sinh và từ khước bóng tối tội lỗi.
Chủ tế: Lạy Cha chí thánh, trong sự Phục Sinh của Con Cha, Cha đã xóa tan mọi sợ hãi và làm hiện thực hóa những gì chúng con không dám hy vọng. Xin nghe lời chúng con cầu nguyện để chúng con luôn sống trong niềm vui của đoàn dân đã được Con Cha cứu chuộc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh I: “nhất là trong ngày cực thánh này”
Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh “Cùng hiệp thông…” và kinh “Vậy, lạy Cha…”
Ca hiệp lễ
Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin…
Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:
X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia
Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.
Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.
Suy niệm
HY VỌNG GIỮA GIAN LAO
SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Cái chết và nấm mồ là kinh nghiệm đau thương và là nỗi lo sợ lớn nhất của kiếp người. Người nghèo chết, người giàu cũng phải chết. Chẳng ai thoát khỏi cái chết mặc dù sợ hãi và trốn tránh nó. Nói đến cái chết, chúng ta đứng trước một bức màn bí ẩn và đặt câu hỏi: bên kia bức màn đó là gì? Sau khi chết con người sẽ như thế nào? Đã bao thế hệ, người ta tìm cách đưa ra những giả thuyết khác nhau về thân phận con người sau khi chết.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đồng thời cũng là con người. Một số thủ lãnh và người dân Do Thái đã kết án tử cho Người phải chết bằng hình thức đóng đinh vào thập giá. Trên cây thập giá, Người đã chết. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận điều này. Đối diện với cái chết, Chúa Giêsu cũng lo sợ đến nỗi máu nhỏ thành giọt, lúc Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Người cũng muốn trốn tránh nó, như lời Người thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con thể được, xin cất chén này xa con”. Tuy vậy, tình yêu mến Người dành cho Chúa Cha lại vượt xa nỗi lo sợ. Vì vậy, Người tiếp lời: “Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Như thế cái chết của Chúa Giêsu là cái chết tự nguyện, vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương loài người.
Như bao người khác, Chúa Giêsu đã chết. Nhưng nếu những người đã chết chịu đóng khung trong nấm mộ tăm tối và thân xác mục nát theo thời gian, thì thân xác Chúa Giêsu lại không chấp nhận quy luật ấy. Người là Con Thiên Chúa hằng sống. Người có quyền trên sự sống và sự chết, như chính Người đã tuyên bố khi sinh thời. Hơn thế nữa, Người chính là sự sống và là sự sống lại. Trước đó, qua hình ảnh hạt lúa gieo xuống đất chấp nhận mục nát để nảy mầm sinh bông kết trái, Chúa Giêsu đã có ý chỉ về cái chết của chính mình. Các tác giả Tin Mừng đều kể lại với chúng ta, mỗi người mỗi cách, nhưng cùng chung một nội dung là Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba, kể từ khi bị đóng đinh và chết trên thập giá. Sự phục sinh của Chúa là ánh sáng bừng lên giữa tối tăm, tình yêu trao gửi giữa hận thù và hy vọng bừng lên giữa gian lao.
Đó là niềm hy vọng trước hết cho các môn đệ và những người phụ nữ đạo đức, đã theo Chúa khi người còn ở trần gian. Cái chết của Chúa làm cho họ hoang mang. Một vài người trong họ hoàn toàn thất vọng và đã lên đường về quê. Niềm vui tràn đầy nhanh chóng thay thế cho sự lo buồn thất vọng. Tác giả Tin Mừng Gioan đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của mình vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Ông đã kết luận trình thuật ngôi mồ trống bằng chính điều ông trải nghiệm: “Ông đã thấy và tin”. Đức tin của ông từ nay đã rõ ràng, được kiểm chứng và trải nghiệm. Ông đã chắc chắn Đức Giêsu, vị Thày khôn ngoan của ông là Thiên Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Người trỗi dậy từ nấm mồ tăm tối, là kinh nghiệm thê thảm nhất của kiếp nhân sinh, để từ nay chiếu sáng huy hoàng dẫn đưa nhân loại về bến bờ bình an.
Giáo Hội năm nay có một Mùa Chay đặc biệt và một lễ Phục sinh cũng đặc biệt, đó là tình trạng dịch bệnh viêm phối Vũ Hán, hay còn gọi là COVID-19. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không còn là câu chuyện do các tác giả Tin Mừng kể lại. Cuộc khổ nạn này cũng không dừng lại ở nghi thức phụng vụ, nhưng đó là kinh nghiệm cụ thể về mạng sống của bao người bị COVID-19 cướp đi. Cho đến hôm nay, trên thế giới đã có khoảng 1,5 triệu người nhiễm dịch và khoảng 100 ngàn người đã chết. Người ta còn nói đến đỉnh của dịch bệnh sẽ đến trong nay mai. Nhân loại đang trải qua nỗi kinh hoàng ghê gớm. Nhiều người đã đồn đoán về ngày tận thế. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đang tiếp diễn nơi những bệnh nhân, nơi thân nhân gia đình và xã hội đang gồng mình để chống dịch, giảm thiểu sức lây lan và tàn phá của con virus bé nhỏ mắt thường không nhìn thấy. Không thể thống kê được thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Kể cả vào lúc dịch bệnh chấm dứt, chúng ta phải mất nhiều năm mới khôi phục những hậu quả của đại dịch, trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực kinh tế.
Dưới lăng kính Kitô giáo, chúng ta nhận ra gương mặt của Đấng chịu đóng đinh nơi những người đau khổ bệnh tật trong xã hội hôm nay. Chúa Giêsu hiện diện với họ để nâng đỡ, chữa lành tâm hồn cũng như thân xác. Trong lúc hoảng loạn tăm tối này, chúng ta tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, với lòng tín thác cậy trông Chúa sẽ ban ơn chữa lành và thế giới sẽ trở lại bình an. Như Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, mỗi chúng ta cũng tin rằng, Thiên Chúa sẽ sớm đưa nhân loại thoát khỏi đại họa, và giúp chúng ta khôi phục cuộc sống. Đó là niềm hy vọng giữa gian lao, hy vọng bừng lên từ nấm mồ trống mà Gioan và Phêrô đã được chiêm ngắm.
Ngôi mộ trống là chứng từ hùng hồn về mầu nhiệm Phục sinh. Hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng hãy là chứng nhân của Chúa Phục sinh đang hiện diện trong cuộc đời. Đây là lệnh truyền của Chúa, như lời khẳng định của Thánh Phêrô: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Bài đọc I). Sự Phục Sinh của Chúa là một sứ điệp hy vọng, cần loan báo cho con người mọi nơi, mọi thời. Những ai đã lãnh nhận phép Thanh Tẩy đều là những sứ giả loan tin vui Phục Sinh. Như Phêrô, Mácđala và Gioan, mỗi người có cách loan báo riêng của mình, nhưng nội dung của lời loan báo luôn luôn là Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta cũng vậy, mỗi người có hoàn cảnh riêng, những khó khăn và thuận lợi riêng, nhưng đều có sứ mạng loan báo Đấng Phục Sinh, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên