Theo trang web của Nghị viện Âu châu, trong những năm qua, Ủy ban các vấn đề pháp lý của Nghị viện Âu châu đã tìm cách đưa ra chỉ thị về thẩm định tính bền vững của công ty. Chỉ thị đưa ra thẩm định bắt buộc về nhân quyền, tiêu chí môi trường và nghĩa vụ chăm sóc của ban giám đốc. Vào ngày 23/5, chỉ thị đã được thông qua với 19 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Các quy định bắt buộc các công ty phải có nghĩa vụ xác định và khi cần thiết, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động của công ty, bao gồm cả hoạt động của các đối tác kinh doanh, đối với nhân quyền và môi trường. Điều này bao gồm lao động trẻ em, nô lệ, bóc lột lao động, ô nhiễm, suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học.
Vào ngày 02/6, qua một tuyên bố chung, các tổ chức trong đó có Caritas Âu châu, Tổ chức bảo trợ của các cơ quan phát triển Công giáo ở Âu châu và Bắc Mỹ, Phong trào Laudato si’ đã chào mừng quyết định này của Nghị viện châu Âu. Tuyên bố viết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các nguyên tắc quan trọng đã được khẳng định trong văn bản này. Việc mở rộng nghĩa vụ chăm sóc của các giám đốc công ty bao gồm nhân quyền, biến đổi khí hậu và hậu quả môi trường có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm về kết quả do các quyết định về các vấn đề bền vững; và một bước ý nghĩa đầu tiên hướng tới việc đảm bảo khả năng tiếp cận công lý cho nhiều nạn nhân của lòng tham thường là đặc trưng của các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở Nam bán cầu”.
Các nhóm đề cập đến lời kêu gọi chấm dứt “lợi nhuận ích kỷ” vi phạm công bằng xã hội của Đức Thánh Cha trong sứ điệp Ngày Quốc tế Lao động 2013: “Tôi nghĩ đến những khó khăn, ở nhiều quốc gia, ngày nay đang ảnh hưởng đến thế giới việc làm và kinh doanh. Tôi nghĩ đến nhiều người, không chỉ những người trẻ, bị thất nghiệp, nhiều khi do quan niệm xã hội thuần túy kinh tế, vốn tìm kiếm lợi nhuận ích kỷ, vượt ra ngoài các giới hạn của công bằng xã hội”.
Các tổ chức Công giáo cho biết họ xem “nghĩa vụ chăm sóc của các giám đốc công ty” là một yếu tố cấu thành chính của “văn hóa chăm sóc” mà họ ủng hộ và điều đó cần được mở rộng ra toàn bộ chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp cần duy trì một la bàn đạo đức và giám đốc công ty cần duy trì các tiêu chuẩn cao nhất qua việc làm gương. Quyết định của Nghị viện đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ, theo đó các tổ chức châu Âu đã sẵn sàng tránh xa “một mô hình kinh tế chỉ dựa trên việc theo đuổi lợi nhuận gây tổn hại cho toàn thể thụ tạo”.
Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên đề cao phẩm giá con người, phát triển con người toàn diện, hòa bình toàn diện và áp dụng cách tiếp cận sinh thái toàn diện”. (Ucanews 05/6/2023)
Nguồn: vaticannews