Các lãnh đạo tôn giáo Phi châu thảo luận chiến lược để vượt khủng hoảng

cac-lanh-dao-ton-giao-phi-chau.jpeg

Edoardo Giribaldi

Cuộc gặp gỡ đã chỉ ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến Phi châu: đại dịch Covid-19, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, khan hiếm nước, hệ thống y tế yếu kém, khủng bố và nợ.

Về khủng hoảng nợ, tài liệu chung kết nêu rõ đây là một thách đố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chi tiêu khu vực xã hội nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu.

Các tham dự viên đưa ra một cái nhìn tổng quan về cuộc khủng hoảng kinh tế châu Phi ngày nay. Từ cuối những năm 1990, các cộng đoàn tôn giáo thuộc phong trào Năm Thánh đã vận động phá vỡ chuỗi nợ nần ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Năm Thánh mới đang tới gần nhưng lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.

Theo các vị lãnh đạo, thực tế các nhà lãnh đạo thế giới đã cung cấp 130 tỷ đô la để xóa nợ, giúp thúc đẩy chi tiêu giảm nghèo ở các nước nhận. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa giải quyết được sự bất công trong hệ thống tài chính quốc tế và những thách đố quản trị trong nước ở các nước nhận, gánh nặng làm tê liệt của các khoản nợ không bền vững vẫn tồn tại.

Cụ thể, ngày nay các quốc gia châu Phi nợ nước ngoài tổng cộng hơn 1,1 ngàn tỷ đô la, trong số này có 25 quốc gia đang rơi vào khủng hoảng nợ sâu sắc. Lãi suất tăng ở các nền kinh tế lớn và tăng trưởng chậm lại làm tăng các khoản thanh toán nợ, trong khi xu hướng chi phí sinh hoạt làm xói mòn tiền lương và thu nhập. Vì thế, cần có những khoản đầu tư lớn để cứu hành tinh duy trì sự sống ở châu Phi và những nơi khác.

Tuyên bố đã kết nối những cuộc đấu tranh mà các nước nghèo gặp phải khi cố gắng đối phó với những tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 với sự thiếu đầu tư y tế, giáo dục, lương thực và bảo trợ xã hội.

Các vị lãnh đạo tôn giáo đưa ra một số lĩnh vực hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng này. Đầu tiên cần có một tiến trình giảm nợ ít nhất ở mức độ cần thiết để các quốc gia nghèo có thể bảo vệ các khoản đầu tư thiết yếu cho phát triển và khí hậu. Tiếp theo, các quốc gia cần phải ban hành luật về cho vay và đi vay có trách nhiệm, nhằm ngăn chặn các chu kỳ nợ mới. Ngoài ra cần có các chính sách khác như tiếp cận các khoản vay ưu đãi và xoá bỏ trộm công quỹ và các hình thức tham nhũng trong quản lý tài chính.

Trong phần kết luận, các lãnh đạo nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ không chỉ đơn thuần là một cuộc tụ họp nhưng là một minh chứng mạnh mẽ cho sức mạnh gắn kết của các tôn giáo, trí tuệ và cam kết chung đối với công lý. Vì thế “chúng tôi kiên quyết giải quyết các vấn đề cấp bách về nợ, quản trị và chênh lệch kinh tế xã hội đang gây khó khăn cho lục địa châu Phi”.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê