Trong sứ điệp được ký bởi Tổng Giám Mục Chính Thống Nikitas của Thyateira, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu (CEC), và Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas, của Vilnius, Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), các Giáo hội mời gọi các Kitô hữu Âu châu cử hành Mùa Thụ tạo “trong tinh thần đại kết, hiệp nhất trong cầu nguyện và hành động”.
Sứ điệp viết: “Biểu tượng tâm linh được chọn cho năm này là một dòng sông hùng vĩ. Nước là một yếu tố giản dị và thiết yếu hiện diện trong đời sống chúng ta, là dấu hiệu của sự sống và thanh tẩy trong các truyền thống tôn giáo. Nước nhắc nhở chúng ta về Bí tích Thanh tẩy và cam kết hoán cải canh tân cuộc sống mới. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tiếp cận nước một cách an toàn mặc dù nước rất cần thiết cho sự sống còn của con người. Rất nhiều người không có nước uống, gần đây nhiều người khác phải rời bỏ quê hương vì hạn hán. Rất nhiều anh chị em chúng ta trên khắp thế giới bị buộc phải lặp lại những lời của Chúa Giêsu ‘Ta khát’ (Ga 19, 28). Vẫn còn những người phải chạy trốn vì lũ lụt, vì lý do thiên nhiên hoặc con người”.
Với thực tế này, các Giáo hội mời gọi các tín hữu trong Mùa Thụ tạo, thời gian cầu nguyện và hoán cải, cùng lắng nghe tiếng kêu của anh chị em chúng ta, những nạn nhân của các hình thức bất công môi trường. Và cùng hướng về Chúa chúng ta khiêm tốn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho công lý và hoà bình tuôn chảy trong thế giới chúng con, trong ngôi nhà chung của chúng con”. Và khi chứng kiến sự tàn phá vô nhân đạo của chiến tranh ở Ucraina, Somalia, Yemen, Eritrea, Myanmar và nhiều nơi khác trên thế giới, ở những nơi mà nhu cầu cơ bản bị ngăn cản hoặc nước được sử dụng làm vũ khí chống lại thường dân vô tội, tất cả cùng lặp lại điều ngôn sứ Amos đã kêu gọi: “Hãy để công lý và hoà bình tuôn chảy”.
Đây cũng là lời kêu gọi các vị lãnh đạo gửi đến Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 28) sắp tới sẽ được tổ chức tại Dubai, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Các vị lãnh đạo còn mời gọi toàn thế giới, các lãnh đạo và tất cả những người thiện chí lắng nghe khoa học và cam kết thực hiện một cách công bằng Thoả thuận Paris.
Nguồn : vaticannews