Ngày 12/9/2023, Nghị viện châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu “Quy định về các thông số chất lượng và an toàn đối với các chất có nguồn gốc từ con người”, với định nghĩa “các chất có nguồn gốc từ con người” mở rộng hơn, có cả phôi thai.
Vào dịp đó, qua một tuyên bố, cha Manuel Enrique Barrios Prieto, Tổng Thư ký của COMECE, đại diện các Giám mục, cho rằng cách định nghĩa SoHO theo quy định mới này nếu được thông qua thì rất đáng lo ngại, vì việc bảo vệ phôi người là rất quan trọng. Do định nghĩa rộng này, các Giám mục lo ngại cả những em bé được thụ thai tự nhiên chưa có khả năng sống độc lập trong giai đoạn phát triển trước khi sinh cũng có thể nằm trong thuật ngữ “các chất có nguồn gốc từ con người”.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/10 vừa qua, Các Giám mục Âu châu tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với một số nội dung của dự thảo. Trước hết liên quan đến định nghĩa SoHO. Đó là một định nghĩa rất rộng, không chỉ đề cập đến máu và các thành phần của máu và tế bào, nhưng bao gồm cả phôi thai. Điều này có thể đưa đến việc loại bỏ và sử dụng phôi thai và bào thai đã chết hoặc bị giết, cũng như để sử dụng phôi thai dư được tạo trong ống nghiệm.
Điểm đáng lo ngại thứ hai liên quan đến nhân phẩm. Theo đó, một số khoản dự luật quy định rằng phôi người cũng có thể được xem là một “chuẩn bị SoHO”. Điều 15 định nghĩa thuật ngữ “xử lý”, bao gồm cả thụ tinh. Các Giám mục viết: “Điều này không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Phôi người không chỉ là một chất có nguồn gốc từ con người, nhưng được ban cho nhân phẩm độc lập. Chúng tôi đề nghị làm rõ trong quy định với một sự chắc chắn về mặt pháp lý rằng cả phôi thai, bào thai hay mô bào thai, bất kể được tạo ra qua thụ thai tự nhiên hay thụ tinh nhân tạo cho mục đích sinh sản hay mục đích khác, đều không thuộc phạm vi của thuật ngữ ‘SoHO’ hoặc ‘chuẩn bị SoHO’ và do đó được loại ra khỏi đối tượng quy định”.
Ở điểm quan ngại thứ ba các Giám mục đề cập đến sự nguy hiểm của việc lựa chọn sự sống con người. Bởi vì điều này sẽ vi phạm nhân phẩm. Hơn nữa, các quốc gia thành viên đã xây dựng nhiều đạo luật phức tạp để có thể tiến hành thử nghiệm thích hợp cho thế hệ con cháu. Điều này có nguy cơ xung đột giữa luật Âu châu và luật của các quốc gia thành viên. Hơn nữa, điều đáng nghi ngờ là làm thế nào cân bằng giữa nghĩa vụ xét nghiệm di truyền với quyền tự quyết của người hiến và người nhận.
Điểm cuối cùng, các Giám mục yêu cầu dự luật phải phê chuẩn tính ưu việt quốc gia về các quyết định đạo đức. Cụ thể, các quốc gia thành viên của Âu châu có quyền thiết lập các quy tắc pháp lý dựa trên các quyết định đạo đức, theo cách quy định của Âu châu không ảnh hưởng đến luật quốc gia. Đây là điều cần thiết để đảm bảo tính ưu việt của quốc gia đối với các quyết định có giá trị đạo đức một cách an toàn về mặt pháp lý.
Nguồn: vaticannews