Các Giám mục Á châu ủng hộ chiến dịch chống phổ biến nhiên liệu hóa thạch

cac-nhien-lieu-hoa-thach.jpeg

Phát biểu tại một buổi học về Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hoá thạch, do Phong trào Laudato si’ tổ chức, Đức cha Allwyn D'Silva, đứng đầu văn phòng về Phát triển Con người và Biến đổi khí hậu của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) nhận định, Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hoá thạch là một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì thế, các Giám mục Á châu sát cánh cùng mọi người để làm sao cho Hiệp ước này được công nhận tại Hội nghị kế tiếp của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.

Theo Đức cha, các nhà hoạt động khí hậu cho biết hầu hết các hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu đã phớt lờ những thách đố từ nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, thỏa thuận Paris, một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý về biến đổi khí hậu được 196 bên thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) ở Paris, đã không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch. Rồi Hội nghị về khí hậu gần đây nhất, COP 27 được tổ chức tại Ai Cập vào năm ngoái, cũng không đề cập đến những thách đố đến từ việc sử dụng dầu và khí đốt. Một khối các quốc gia Thái Bình Dương đã bắt đầu kêu gọi một hiệp ước chống phổ biến nhiên liệu hóa thạch và cho rằng một thỏa thuận quốc tế như vậy là cần thiết để bổ sung cho các thỏa thuận và hiệp ước khác, đồng thời tạo ra năng lượng sạch với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người.

Với thực tế này, Đức cha D'Silva kêu gọi "tất cả hãy tham gia khối các Quốc gia Thái Bình Dương này trong lời kêu gọi của họ về một hiệp ước... để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, dồi dào, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”. Ngài nói: “Tất cả phải chung tay thể hiện sự liên đới của chúng ta trong việc cố gắng thuyết phục các chính phủ và những người quan trọng khác, những người chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu này, về tình trạng khẩn cấp khí hậu này”.

Đức cha D’Silva cho biết chỉ có “một số chính phủ đã hứa” thông qua hiệp ước và kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách đoàn kết trong chiến dịch đưa hiệp ước thành hiện thực. Ngài nói thêm: “Chúng tôi cần các doanh nhân. Chúng tôi cũng yêu cầu các cộng đồng. Chúng tôi muốn những người có ảnh hưởng đến các chính sách và việc ra quyết định ở các quốc gia của chúng tôi”.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê