Andrea Tornielli phỏng vấn Đức cha Víctor Manuel Fernández, người được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 1/7/2023. Đức Cha giải thích : « Chắc chắn việc giữ gìn không loại trừ sự tỉnh thức, nhưng đức tin được giữ gìn trước hết bằng cách gia tăng sự hiểu biết về nó. »
Một nền thần học phát triển và được đào sâu « trong cuộc đối thoại giữa các thần học gia và trong cuộc đối thoại với khoa học và xã hội ». Nhưng luôn nhắm phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục giáo phận La Plata, Đức cha Víctor Manuel Fernández, cho rằng đó là bổn phận mà Đức Phanxicô giao phó cho ngài, như thể hiện trong lá thư mà Đức Thánh Cha đã gởi cho ngài cùng lúc với việc bổ nhiệm ngài vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Đức cha Fernández là cộng tác viên thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ lúc Đức Thánh Cha còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông của Vatican, Đức tân Tổng trưởng giải thích ngày nay ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng và trở thành người gìn giữ đức tin là gì.
Andrea Tornielli : Kính thưa Đức Cha, tại sao Đức Thánh Cha đã kèm theo việc bổ nhiệm ngài với một lá thư, và điều đó có nghĩa là gì ?
Đức cha Fernández : Chắc chắn có một ý nghĩa quan trọng đối với điều đó. Vì trước đó Đức Thánh Cha đã thông báo cho tôi rằng cùng với sắc lệnh bổ nhiệm, ngài muốn gởi một lá thư để « làm sáng tỏ » ý nghĩa sứ mạng của tôi. Lá thư trình bày ít nhất sáu điểm mạnh mời gọi suy nghĩ, nhưng tôi giải thích rằng với bản văn này, bằng cách nào đó ngài đã thấy trước việc áp dụng Tông hiến Praedicate Evangelium. Quả thế, ngài kêu gọi một nền thần học trưởng thành, phát triển, được đào sâu trong cuộc đối thoại giữa các thần học gia và trong cuộc đối thoại với khoa học và xã hội. Nhưng tất cả những điều đó là để phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Việc đặt Bộ này sau Bộ loan báo Tin Mừng đã truyền tải thông điệp này, nhưng lá thư của Đức Phanxicô làm cho nó rõ ràng hơn. Việc ngài chọn làm Tổng trưởng một thần học gia vốn cũng từng là cha quản xứ tái khẳng định điều đó theo một cách khác.
Andrea Tornielli : Ngày nay « giữ gìn » đức tin có nghĩa là gì ?
Đức cha Fernández : Đức Phanxicô chỉ ra rằng kiểu nói « giữ gìn » rất giàu ý nghĩa. Chắc chắn nó không loại trừ sự tỉnh thức, nhưng nó diễn tả rằng giáo lý đức tin được giữ gìn trước hết bằng cách gia tăng sự hiểu biết về nó. Ngay cả một hoàn cảnh trong đó cần phải đối mặt với một lạc giáo có thể xảy ra cũng nên dẫn đến một sự phát triển thần học mới mẻ giúp làm trưởng thành sự hiểu biết của chúng ta về giáo lý, và đó là cách tốt nhất để giữ gìn đức tin. Chẳng hạn, nếu lạc thuyết Jansen có thể tồn tại lâu như vậy, đó là bởi vì có những cuộc kết án, mà không có bất kỳ câu trả lời nào cho một số ý hướng chính đáng có thể ẩn sau những sai lầm, và không có sự phát triển thần học thích đáng nào theo dòng thời gian.
Andrea Tornielli : Làm thế nào loan báo Tin Mừng , làm thế nào thông truyền đức tin trong các bối cảnh ngày càng tục hóa nơi các xã hội của chúng ta ?
Đức cha Fernández : Bằng cách luôn cố gắng cho thấy tốt hơn tất cả vẻ đẹp và sự hấp dẫn của đức tin, mà không làm biến dạng nó bằng cách tiêm nhiễm vào nó những tiêu chí trần tục, nhưng bằng cách luôn tìm thấy điểm tiếp xúc vốn cho phép nó thực sự có ý nghĩa, hùng hồn, quý giá đối với người nghe nó. Không đối thoại với văn hóa, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy thông điệp của mình, dù đẹp đẽ đến đâu, cũng mất đi tính thích đáng của nó. Đó là lý do tại sao tôi rất biết ơn về khoảng thời gian làm thành viên của Hội đồng Văn hóa của Tòa Thánh, nơi tôi đã học được rất nhiều điều ở bên cạnh Đức Hồng y Ravasi.
Andrea Tornielli : Đâu là ý nghĩa và sự thích đáng của những lời mà Đức Bênêđíctô XVI đã đặt trong phần mở đầu của thông điệp Deus Caritas est : « Ở khởi thủy của sự kiện là Kitô hữu, không có một quyết định đạo đức hay một ý tưởng vĩ đại, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một Người, Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và nhờ đó định hướng quyết định của nó » ?
Đức cha Fernández : Ngày nay, thật tốt khi nhớ lại những lời này. Không có học thuyết tôn giáo nào từng thay đổi thế giới nếu không xảy ra một biến cố đức tin, một cuộc gặp gỡ tái định hướng cuộc sống. Và điều đó không chỉ có giá trị đối với Kitô giáo mà còn đối với lịch sử của các tôn giáo nữa. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng của Ấn giáo và sự đổi mới sau đó của nó với các bài thánh thi về Krishna, và trong rất nhiều dịp khác. Không có kinh nghiệm về Chúa Kitô hằng sống, Đấng yêu thương và cứu độ, chúng ta không thể hun đúc « con người Kitô hữu » của mình, và việc tập trung vào việc tranh luận và thảo luận với tất cả mọi người sẽ không giúp làm cho trưởng thành sự phát triển này nơi con người. Tuyên bố này của Đức Bênêđíctô XVI mời gọi chúng ta phát triển một nền thần học vững chắc và có cơ sở vững vàng, nhưng được định hướng cách rõ ràng để phục vụ biến cố này.
Nguồn: Vatican News